menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường Đông Bắc Á

14:20 19/11/2008
Nhập khẩu từ Nhật Bản: Trong tháng 9, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của nước ta từ Nhật Bản chỉ đạt 601 triệu USD, giảm tới 20% so với tháng trước, và chỉ tăng 8,5% so với tháng 9 năm ngoái.
Nhập khẩu từ Nhật chậm lại là do nhập khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm mạnh. Trong tháng 9 nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng chỉ đạt 148 triệu USD, giảm 19% so với tháng trước và 28,8% so với tháng 9 năm 2007.
Tuy vậy, nhập khẩu hai mặt hàng là sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn tăng cao, tăng lần lượt là 83,8% và 63,7% so với tháng 9 năm ngoái và đạt 94,3 triệu USD và 93 triệu USD.
Nhập khẩu từ Đài Loan: Trong tháng 9, kim ngạch nhập khẩu từ Đài Loan đạt 532 triệu USD, tiếp tục giảm 29,6% so với tháng trước và giảm 4,3% so với tháng 9 năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này 9 tháng năm nay đạt 6,6 tỉ USD, tăng 41,8% so với 9 tháng năm ngoái.
Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh là nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này giảm mạnh. Nếu không tính mặt hàng xăng dầu, nhập khẩu trong tháng 9 từ thị trường này vẫn tăng 21% so với tháng 9 năm ngoái.
Ngoài các mặt hàng như: vải, sắt thép, chất dẻo, hoá chất, nguyên phụ liệu dệt, may da, giày, vẫn duy trì mức tăng khá cao thì nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng lại giảm mạnh.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc: Trong tháng 9, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 504 triệu USD, giảm 5,4% so với tháng trước, tuy vậy vẫn tăng 21,5% so với tháng 9 năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này 9 tháng năm nay đạt gần 5,58 tỉ USD, tăng 51,2% so với 9 tháng năm ngoái.
Nhìn chung nhiều mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này có kim ngạch lớn nhất vẫn duy trì mức tăng khá, như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 68%, vải tăng 10%, sắt thép tăng 134%, chất dẻo nguyên liệu tăng 30% so với tháng 9 năm ngoái. Tuy vậy, nhiều mặt hàng khác có kim ngạch thấp hơn lại giảm mạnh như: ôtô nguyên chiếc giảm 37%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 33%, hoá chất giảm 51%, phân bón giảm 32% so với tháng 9 năm ngoái.
 

Nguồn:Vinanet