menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình và kiểm soát chất lượng dược phẩm nhập khẩu

09:47 13/01/2015

Theo Cục Quản lý Dược, thời gian gần đây, qua công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thông báo thu hồi một số lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có nhiều thuốc nhập khẩu.

(VINANET) – Theo Cục Quản lý Dược, thời gian gần đây, qua công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thông báo thu hồi một số lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có nhiều thuốc nhập khẩu.

Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam cho biết, riêng tháng 11/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 155,3 triệu USD hàng dược phẩm, giảm 15,1% so với tháng 10, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 11/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 1,8 tỷ USD mặt hàng này, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2013.

Việt Nam nhập khẩu dược phẩm từ 29 thị trường trên thế giới, trong đó Ấn Độ là nguồn cung chính, chiếm 13,2% tổng kim ngạch, đạt 240,9 triệu USD, tăng 6,43%.

Thị trường chiếm thị phần lớn thứ hai sau Ấn Độ là Pháp, tuy nhiên tốc độ nhập khẩu dược phẩm từ thị trường này lại giảm kim ngạch, giảm 5,12%, tương đương với 217,4 triệu USD. Kế đến là thị trường Đức, đạt 175,3 triệu USD, tăng 28,49%...

Nhìn chung, trong 11 tháng 2014, nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam từ các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng dương, số thị trường này chiếm 62%, trong đó nhập khẩu từ thị trường Malaixia có tốc độ tăng trưởng mạnh vượt trội, ngược lại nhập khẩu dược phẩm từ thị trường Nga lại giảm nhiều nhất, giảm 32,73%, tương đương với 2,2 triệu USD.

Số thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu trở lên, chiếm 17,2% trong tổng số thị trường nhập khẩu hàng dược phâm, bao gồm: Ấn Độ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Italia.

Cơ cấu thị trường nhập khẩu dược phẩm 11 tháng 2014 – ĐVT: %

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ của TCHQ Việt Nam)

Trước tình hình nguồn dược phẩm nhập khẩu chất lượng không đảm bảo, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có Công văn 13719/QLD-CL gửi các Sở Y tế, các Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và TP. Hồ Chí Minh, cùng các công ty nhập khẩu thuốc về việc kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu.

Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu các công ty nhập khẩu thuốc sau khi thuốc được thông quan phải chuyển về bảo quản tại các kho đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”. Đồng thời phải liên hệ Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh, thành phố đến lấy mẫu để kiểm tra chất lượng theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BYT ngày 12/02/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc lấy mẫu thuốc để xác định chất lượng đối với 100% lô thuốc được nhập khẩu.

 Ngoài ra, các công ty nhập khẩu thuốc phải gửi mẫu đã lấy tới Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh, hoặc Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố để kiểm tra chất lượng và cùng với nhà cung ứng thuốc, chịu trách nhiệm cung cấp chất chuẩn, chất đối chiếu, tạp chuẩn để kiểm nghiệm thuốc theo yêu cầu của đơn vị kiểm nghiệm.

Các lô thuốc sau khi được lấy mẫu và kiểm tra đạt tiêu chuẩn chất lượng mới dược phép đưa vào lưu thông, phân phối. Trong quá trình lưu hành vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát chất lượng thuốc theo quy định.

Bên cạnh trách nhiệm của các công ty nhập khẩu thuốc, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh, và các Trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố vào cuộc để siết chặt chất lượng thuốc nhập khẩu bằng cách kiểm nghiệm chất lượng các thuốc do các công ty nhập khẩu gửi tới trước khi đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành cần kiểm tra, giám sát các công ty nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc lấy mẫu và kiểm tra chất lượng thuốc trước khi đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/thanhtra.com.vn

Nguồn:Vinanet