menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và dự báo

09:15 14/01/2015

Ước tính kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2014 đạt khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 15% so với năm 2013. Dự báo với sự ấm lại của nền kinh tế các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản… kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2015 sẽ duy trì mức tăng trưởng 15%.

(VINANET) – Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 11/2014 Việt Nam đã thu về 5,5 tỷ USD từ xuất khẩu gỗ và sản phẩm, tăng 13,55% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính riêng tháng 11/2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 537,5 triệu USD, giảm 6,9% so với tháng 10. Riêng mặt hàng sản phẩm gỗ, tháng 11 đạt kim ngạch 390,4 triệu USD, giảm 7,1% so với tháng 10, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… trong đó Hoa Kỳ là thị trường có kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất, đạt 2 tỷ USD, chiếm 36,3% tổng kim ngạch, tăng 12,82% so với 11 tháng năm 2013. Đứng thứ hai sau thị trường Hoa Kỳ là Nhật Bản, đạt 866,3 triệu USD, tăng 17,95%.

Là thị trường có vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhưng Trung Quốc chỉ đứng thứ ba trong bảng xếp hạng kim ngạch, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này lại giảm, giảm 10,28% tương đương với 791,3 triệu USD.

Ngoài ba thị trường chính kể trên, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn có mặt trên các thị trường khác nữa như: Nam Phi, Phần Lan, Thụy Sỹ, Italia, Thụy Điển…

Nhìn chung, 11 tháng 2014, xuất khẩu gỗ và sản phẩm sang các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng dương, số thị trường này chiếm 78,3% và xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có tốc độ tăng trưởng mạnh vượt trội, tăng 67,66%, tuy kim ngạch chỉ đạt 17,7 triệu USD.

Đáng chú ý, trong thời gian này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam thiếu vắng thị trường  Hungari và Ucraina so với 11 tháng năm 2013.

Thị phần các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng 2014 – ĐVT: %

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam)

Với đà tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng qua, ước tính kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2014 đạt khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 15% so với năm 2013. Dự báo với sự ấm lại của nền kinh tế các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản… kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2015 sẽ duy trì mức tăng trưởng 15%.

Nhu cầu gỗ thế giới cao, cộng với việc nhiều hiệp định thương mại đã và đang chuẩn bị được ký kết, nếu tận dụng triệt để, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khả quan trong năm 2014, năm 2015 hàng loạt những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được đàm phán ký kết như FTA Việt Nam - EU, TPP, Hiệp định Đối tác tự nguyện với Liên minh châu Âu về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)… kỳ vọng sẽ mang lại sự tăng trưởng mạnh về kim ngạch xauats khẩu cho ngành gỗ.

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Đơn cử như khi FTA Việt Nam - EU và VPA/FLEGT được ký kết, các sản phẩm gỗ Việt Nam phải được chứng minh có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Trong khi đó, Việt Nam mua gỗ nguyên liệu từ nhiều quốc gia trên thế giới và không phải nước nào cũng có chứng chỉ hợp pháp. Bên cạnh đó, khi phải chọn lựa nguồn gốc, xuất xứ của gỗ, chắc chắn giá gỗ nguyên liệu sẽ tăng lên.

Thêm nữa là khi các hiệp định được ký kết, các sản phẩm gỗ của các nước tiên tiến sẽ vào và cạnh tranh quyết liệt với gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất gỗ vẫn cao, đặc biệt là phí vận tải bằng tàu thủy. Đây là rào cản rất lớn đối với nguồn đầu tư cho các DN trong tương lai. Dù khó khăn như vậy nhưng năm 2015, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu đạt 7 tỷ USD KNXK đồ gỗ.

Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Những thị trường lớn nhất của gỗ Việt Nam trong năm 2014 là Mỹ (tăng trưởng 14,17%), Nhật Bản (tăng 19,47%)… Một số thị trường mới như Trung Đông, Australia, ASEAN… cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá khả quan.

Chủ tịch hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, để tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định, thời gian qua, các DN gỗ đã và đang chuẩn bị kỹ càng những chứng nhận về xuất xứ nguồn gốc gỗ. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm gỗ mới mà thế giới đang có nhu cầu lớn như gỗ ghép thanh, ván nhân tạo… đang được DN đầu tư sản xuất để phục vụ cho việc xuất khẩu trong năm 2015. Đặc biệt, DN ngành gỗ cũng đang nỗ lực thay đổi công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm khó hơn, có chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ như trước đây làm bàn ghế đơn giản thì nay tập trung vào các sản phẩm bàn ghế có tính thẩm mỹ và độ tinh xảo cao hơn…

Việt Nam vừa kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Hải quan (Nga – Belarus – Kazakhstan. Nga là một trong những thị trường mới, đầy tiềm năng của đồ gỗ. Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã có chính sách khuyến khích 3 ngành là gỗ, thủy sản và dệt may đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gỗ vào thị trường Nga còn nhiều vướng mắc về nguyên liệu, lao động, thủ tục hải quan và thuế…

Vừa qua, Việt Nam đã kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Hải quan. Đây là cơ hội tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ vào các thị trường này. Nhưng để hiệp định được hiện thực hóa thành những hướng dẫn, thông tư cụ thể phải mất khoảng 2 năm.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn: Thống kê tổng cục Hải Quan, Báo công thương điện tử

Nguồn:Vinanet