Là mặt hàng XK chủ lực của thủy sản Việt Nam, cùng với 7 nước khác, mặt hàng tôm của Việt Nam chính thức bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp. Về vấn đề này, Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và đưa ra các biện pháp ứng phó.
Theo thông tin từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), ngày 28-12-2012, Liên minh các nhà chế biến tôm của Hoa Kỳ (gồm 31 DN sản xuất tôm) đã đệ đơn lên DOC yêu cầu điều tra áp thuế chống trợ cấp (CVD) đối với mặt hàng “tôm nước ấm đông lạnh” NK từ 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam (6 nước còn lại là Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaisia, Thái Lan). Ngày 17-1-2013 DOC đã chính thức khởi xướng và tiến hành điều tra vụ kiện. Thời gian điều tra từ 1-1-2011 đến 31-12-2012.
Báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết: Cụ thể trong vụ kiện này, DOC sẽ tiến hành điều tra 20 chương trình, chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc là có trợ cấp cho DN sản xuất, XK tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam liên quan đến cho vay chính sách; Chính phủ cung cấp hàng hóa, dịch vụ thấp hơn giá thông thường (miễn giảm thuế đất, mặt nước, tiền nước…); các chương trình thuế (ưu đãi thuế TNDN, hoàn thuế…), trong đó một số chương trình vẫn còn là vấn đề tranh cãi và tồn tại của các vụ trợ cấp trước đây.
Ngoài ra, so với những vụ kiện trước đây, nguyên đơn đã đưa ra 4 cáo buộc mới. Đó là: Trợ cấp theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản; trợ cấp theo kế hoạch phát triển chế biến thủy sản; các khoản vay trợ cấp cho việc nâng cấp nuôi trồng thủy sản; trợ cấp bằng việc giảm thuế thu nhập đối với ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Theo quy định và thông lệ, bên nguyên đơn vẫn có quyền đệ trình thêm những cáo buộc trợ cấp mới trong quá trình điều tra vụ việc.
Điểm đáng lưu ý là mã hàng hóa bị kiện lần này là tôm nước ấm đông lạnh không phân biệt nuôi hay đánh bắt tự nhiên thuộc nhiều mã (HS) khác nhau. Các mã HS này cũng chính là các mã mà DOC đang áp dụng thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh của Việt Nam và một số nước khác.
Theo quy trình điều tra CDV của Hoa Kỳ, DOC sẽ tiến hành lựa chọn DN bị đơn chính thức dựa theo số liệu NK của Hải quan Hoa Kỳ. Tuy nhiên Bộ Công Thương cho biết, hiện DOC chưa chính thức lựa chọn
- Hiện Luật chống trợ cấp mới của Hoa Kỳ (được thông qua vào tháng 3-2012) cho phép DOC điều tra và áp dụng thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa từ các quốc gia có nền kinh tế được coi là phi thị trường
- Các DN XK tôm Việt Nam đang chịu thuế chống bán phá giá ở mức từ 0,53% đến 25,76%. Nếu bị áp dụng thuế chống trợ cấp, các sản phẩm tôm của Việt Nam có nguy cơ bị tính trùng thuế - Kinh nghiệm về điều tra chống trợ cấp ống thép hàn các-bon (CWP) cho thấy, luật sư đã làm rất tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ Chính phủ trong quá trình điều tra của DOC, kết quả cuối cùng của vụ việc đạt được rất tích cực khi DOC ra phán quyết Chính phủ không trợ cấp cho DN XK ống thép CWP và các DN đã thoát khỏi vụ kiện Lại kiện
Tôm hiện là một trong những sản phẩm thủy sản XK chủ lực của Việt Nam với tổng kim ngạch khoảng 2,4 tỉ USD (chiếm gần 40% kim ngạch XK thủy sản Việt Nam). Hoa Kỳ hiện là thị trường NK tôm Việt Nam lớn thứ hai (sau Nhật Bản), với kim ngạch XK khoảng 555 triệu USD (năm 2011). Tuy nhiên hiện nay cùng với việc đang bị áp dụng thuế chống bán phá giá, mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam tiếp tục bị kiện chống trợ cấp tại thị trường Hoa Kỳ.
Sự hỗ trợ của luật sư là cần thiết
Kinh nghiệm từ những vụ kiện trước, cùng với thực tế cụ thể của vụ kiện này, Bộ Công Thương cho rằng khối lượng công việc phải xử lý trong vụ việc này là khá nhiều vì vậy Việt Nam cần phải tập trung xử lý việc kháng kiện một cách hiệu quả, đặc biệt cần sự chủ động của các DN và hỗ trợ tư vấn của luật sư.
Thực tế cho thấy, việc trả lời bản câu hỏi của cơ quan điều tra Hoa Kỳ không đơn giản do số lượng câu hỏi lớn, phức tạp, trong thời gian ngắn (khoảng 30 ngày đối với bảng câu hỏi đầu tiên và 7 ngày đối với từng bản câu hỏi bổ sung).
Bộ Công Thương cho rằng, sự hỗ trợ của luật sư là rất cần thiết bởi theo quy định về thủ tục hành chính và bảo mật thông tin của Hoa Kỳ, chỉ luật sư mới được quyền tiếp cận các thông tin mật và tham dự các buổi họp riêng giữa luật sư và cán bộ điều tra của DOC.
Cơ quan này cũng cho rằng, để có thể kháng kiện thành công đối với các vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, một trong những nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là các cuộc điều tra về chống trợ cấp thường xuyên nhất trên thế giới. Công tác kháng kiện của Việt Nam cần có sự hỗ trợ tư vấn của các luật sư bản địa, những người có sự am hiểu về pháp luật phòng vệ thương mại nói chung và pháp luật về các biện pháp phòng chống trợ cấp nói riêng của Hoa Kỳ; có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tranh tụng.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ Công Thương chủ trì, lựa chọn một công ty luật Hoa Kỳ để tư vấn, đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình kháng kiện vụ việc. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho việc thuê luật sư và các chi phí cần thiết khác.
Nguồn:Hải quan Việt Nam