Năm 2015 gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt của gạo Thái Lan, nhất là thế mạnh của Việt Nam là loại gạo thơm (Jasmine).
Ngày 10/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất niên vụ lúa năm 2014, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015 tại Nam Bộ.
Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, năm 2015 sẽ là năm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo phân tích của VFA, năm 2015 gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt với gạo Thái Lan, nhất là thế mạnh của Việt Nam là loại gạo thơm (Jasmine), Thái Lan cũng có 2 giống lúa khác cạnh tranh về chất lượng và giá lại tương đương.
Sự cạnh tranh không chỉ trong khu vực châu Á mà ở cả các thị trường châu Phi cũng sẽ diễn ra trong thời gian tới. Trong khi đó, tiêu thụ qua đường tiểu ngạch đang có sự quản lý chặt chẽ nên sẽ khó có việc các doanh nghiệp, tư thương dễ dàng xuất gạo qua đường này.
Ông Bảy cho rằng, từ nay tới cuối năm, giá gạo trong nước sẽ đứng ở mức hiện nay, khó tăng cao mà có thể giảm nhẹ do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường đã giảm. Tính bình quân cả năm giá lúa trong nước vẫn khá tốt, có lợi cho nông dân, tuy nhiên trong năm 2014 các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu trong nước biến động theo hướng tăng, hàng xuất qua đường tiểu ngạch được thương lái mua giá cao, trong khi giá xuất khẩu lại phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Trong năm 2014, các doanh nghiệp thuộc VFA sẽ cố gắng tiêu thụ hết lúa hàng hoá cho nông dân, đồng thời cân đối để có lượng gạo xuất khẩu hợp lý cho những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015.
Trước dự báo từ VFA, ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, trong trường hợp khó khăn đầu ra cho lúa gạo năm 2015, ngành nông nghiệp cần xem xét việc nên duy trì sản xuất vụ Đông Xuân 2015 ở mức độ nào, cân nhắc với những vùng hạn có nên giữ quy mô sản xuất vụ Đông Xuân như hiện nay hay không...
Đặc biệt, ngành cần có phương án tạm trữ ngay từ sớm để giữ ổn định sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2014-2015, đây là vụ lúa được coi là có lãi nhất trong năm do không bị ảnh hưởng từ thời tiết...
Theo tổng hợp từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2014 toàn vùng Nam bộ gieo sạ khoảng 4,7 triệu ha, giảm 26.940 ha; sản lượng ước đạt gần 27,8 triệu tấn, tăng 916.365 tấn so với năm 2013, do năng suất tăng thêm 2,27 tạ/ha so với vụ năm 2013.
Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ giảm 36.373ha và sản lượng tăng 832.416 tấn so với năm 2013. Sản lượng tăng nhờ năng suất tăng lên 2,45 tạ/ha so với năm 2013. Vùng Đông Nam bộ gieo sạ tăng 9.433 ha và sản lượng tăng 83.949 tấn so với năm 2013. Sản lượng tăng nhờ diện tích tăng và năng suất tăng 0,82 tạ/ha so với năm 2013.
Báo cáo của VFA cho thấy, đến hết tháng 9/2014, số lượng gạo xuất khẩu đạt gần 4,8 triệu tấn, trị giá FOB khoảng 2 tỷ USD, CIF gần 2,2 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm 2013, số lượng giảm 7,81%, trị giá FOB giảm 7,2%, trị giá CIF giảm 5,51% và giá FOB bình quân tăng 2,85 USD/tấn; đăng ký hợp đồng xuất khẩu đến ngày 30/9 là 6,5 triệu tấn.
Nguồn: Vietnamplus