Theo dự kiến của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng tại các nước đang phát triển Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ chậm lại vào năm 2014.
Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương được WB công bố ngày 6-10 cho thấy: Tốc độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ giảm trong năm nay, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong khu vực, không kể Trung Quốc sẽ tăng lên trong năm tới.
Theo báo cáo, các nước đang phát triển Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng ở mức 6,9% trong năm nay và năm tới, giảm so với mức 7,2% vào năm 2013.
Mặc dù toàn bộ khu vực này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn bất cứ khu vực nào nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nhưng tác động tới các nước khác nhau sẽ khác nhau, tùy thuộc vào môi trường đầu tư và xuất khẩu.
Theo đó, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Campuchia có điều kiện phù hợp để tăng xuất khẩu, phản ánh mức độ hội nhập ngày càng sâu của các nền kinh tế này vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Điều này vốn có vai trò làm động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu trong vòng 20 năm qua.
Dù vậy, báo cáo của WB đưa ra khuyến nghị: Trong dài hạn, hầu hết các nước đều phải tập trung vào việc thực hiện những cải cách về cơ cấu cần thiết nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.
Những cải cách như vậy sẽ giúp các nước có điều kiện để hưởng lợi từ sự phục hồi toàn cầu, cũng như từ sự vươn lên của Trung Quốc trong chuỗi giá trị với các mặt hàng xuất khẩu ít thâm dụng lao động hơn.
Những lĩnh vực cải cách then chốt bao gồm lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, hậu cần, và tự do hóa dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm cả những hướng cải cách cần thiết trong bối cảnh hội nhập khu vực.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng: Đầu tư ở các nền kinh tế lớn của khu vực ASEAN đã suy giảm, trong khi tiêu dùng tư nhân vẫn không bị ảnh hưởng. Tại Indonesia, sự suy giảm về đầu tư phản ánh môi trường đầu tư kém, cộng với giá cả hàng hóa xuất khẩu giảm, chi phí vốn tăng, và những điều chỉnh trong lĩnh vực bất động sản. Tại Philippines và Việt Nam, hoạt động đầu tư yếu ớt phản ánh những nhân tố mang tính cơ cấu, và đồng thời cũng do tác động cộng lực của thị trường bất động sản èo uột.
Tăng trưởng tín dụng đã và đang suy giảm do chính sách thắt chặt hơn, và lạm phát nhìn chung vẫn được duy trì ở mức thấp. Báo cáo chỉ rõ: Với Thái Lan và Việt Nam, các vấn đề về cơ cấu kinh tế chính là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng tín dụng.
Trong môi trường toàn cầu bất trắc như vậy, báo cáo của WB nhận định vẫn còn có một cánh cửa cơ hội để thực thi những cải cách quan trọng.
"Trong một số trường hợp thì những cải cách đó lẽ ra đã phải được thực hiện từ lâu; ưu tiên trong ngắn hạn ở một số nước là giải quyết những yếu kém và những lĩnh vực kém hiệu quả do đã thực hiện những chính sách tiền tệ nới lỏng và kích thích tài khóa trong một thời gian dài" - báo cáo của WB đưa ra khuyến nghị.
Nguồn: Báo Hải quan
Nguồn:Hải quan Việt Nam