menu search
Đóng menu
Đóng

Xe đạp trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá lần hai

16:58 17/08/2010
Ngày 15/7/2010, EU thông báo bãi bỏ thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với xe đạp của Việt Nam trong khi vẫn tiếp tục áp dụng thuế này với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc (mức thuế CBPG trung bình đối với xe đạp Trung Quốc 48,5%). Việc này mang lại cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp xe đạp Việt Nam để có thể phục hồi xuất khẩu sang châu Âu.
Ngày 15/7/2010, EU thông báo bãi bỏ thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với xe đạp của Việt Nam trong khi vẫn tiếp tục áp dụng thuế này với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc (mức thuế CBPG trung bình đối với xe đạp Trung Quốc 48,5%). Việc này mang lại cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp xe đạp Việt Nam để có thể phục hồi xuất khẩu sang châu Âu.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay, theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương là nó cũng đem lại nguy cơ EU sẽ áp thuế CBPG trở lại hoặc có các chế tài xử lý ngành xe đạp Việt Nam nếu chúng ta không kịp thời bảo vệ lợi thế đang có và ngăn việc chuyển tải bất hợp pháp xe đạp từ nước khác vào Việt Nam xuất khẩu đi EU nhằm hưởng chênh lệch thuế chống bán phá giá

Điều này không những gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả ngành mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, hiện có 3 dạng chuyển tải phổ biến gồm: Làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam để hưởng mức thuế nhập khẩu thấp mà các nước nhập khẩu áp dụng với Việt Nam so với mức thuế nhập khẩu áp dụng cho nước khác; Nhập khẩu hàng hoá nguyên chiếc vào Việt Nam, sau đó đóng gói với mác “Made in Vietnam” và xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam để hưởng mức thuế thấp như trên; Đầu tư nhà máy đơn giản tại Việt Nam, sau đó nhập khẩu gần như toàn bộ linh phụ kiện của nước ngoài và lắp ráp tại Việt Nam rồi xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam dù chưa đủ tiêu chuẩn về giá trị gia tăng để xuất khẩu.
Cục Quản lý Cạnh tranh cảnh báo: “Hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hoạt động chủ yếu nhằm mục đích trục lợi, lẩn tránh thuế CBPG, thuế chống trợ cấp không những không phù hợp với mục tiêu và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành sản xuất của Việt Nam cũng như hình ảnh của Việt Nam trong thương mại quốc tế, tạo tiền lệ xấu khi cơ quan điều tra của nước ngoài (đặc biệt là Hoa Kỳ và EU) điều tra các nước trong khu vực sẽ mở rộng tới cả Việt Nam và áp dụng biện pháp CBPG, trợ cấp hoặc tự vệ cho hàng xuất khẩu của cả Việt Nam và nước trong khu vực bị điều tra”.

3 giải pháp để tự bảo vệ
Tại Hội nghị “Đánh giá triển vọng và các thách thức từ việc EU dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp xuất khẩu của Việt Nam” do Cục Cạnh tranh tổ chức với sự tham gia của Lãnh đạo Hiệp hội Ô tô, xe máy và xe đạp, các doanh nghiệp xuất khẩu xe đạp lớn của Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan…, các bên đã thống nhất đưa ra 3 giải pháp nhằm bảo vệ lợi thế, ngăn chặn hiện tượng lẩn tránh thuế CBPG và ngăn chặn khả năng EU tái áp dụng thuế CBPG đối với xe đạp Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan, VCCI) tăng cường công tác giám sát, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả hiện tượng chuyển tải, lẩn tránh thuế chống bán giá của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xe đạp trong thời gian tới.
UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành (đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương) rà soát, đánh giá, quán triệt nguy cơ và hậu quả của hiện tượng lẩn tránh thuế CBPG của các doanh nghiệp xe đạp nói riêng và các ngành khác nói chung trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về vấn đề này. Trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu xe đạp nhằm đảm bảo loại bỏ các dự án đầu tư mới trên địa bàn nhằm mục đích lẩn tránh thuế CBPG, trục lợi cá nhân làm ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong ngành và ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh quốc gia trên thị trường quốc tế.
Đánh giá cao vai trò đầu tàu, kết nối của Hiệp hội Ô tô, xe đạp, xe máy (VABOMA). Các doanh nghiệp và đại biểu tham dự đều nhất trí cho rằng VABOMA có vai trò quan trọng trong việc giám sát, thẩm định năng lực sản xuất thực tế của doanh nghiệp xe đạp Việt Nam, so sánh với lượng xe đạp xuất khẩu (số liệu thống kê do Hải quan và Bộ Công Thương cung cấp) để phát hiện kịp thời hiện tượng lẩn tránh thuế CBPG.
Bên cạnh đó, từng doanh nghiệp xe đạp Việt Nam cần thể hiện vai trò chủ động trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trước những hành vi chuyển tải xe đạp xuất khẩu nhằm lẩn tránh thuế CBPG của EU thông qua việc thông báo kịp thời các hiện tượng này đến VABOMA và các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Nguồn:Tin kinh tế hàng ngày