menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu cá ngừ chưa có dấu hiệu khởi sắc

09:46 19/05/2014

Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch XK cá ngừ năm 2014 đạt 560 triệu USD, tăng 6,3% so với năm 2013. Tuy nhiên, XK chưa thấy dấu hiệu khởi sắc khi kim ngạch tiếp tục giảm 25,7% trong hai tháng đầu năm.
Nhu cầu NK cá ngừ trên thế giới
Nhật Bản

Theo Globefish, trong dịp năm mới (tháng 12/2013-1/2014), nhu cầu sashimi tại Nhật Bản tăng mạnh với nguồn cung chủ yếu từ cá ngừ vây xanh khai thác nội địa hoặc NK. Tuy nhiên, nguồn cung cá ngừ vây xanh lớn lại ảnh hưởng tới giá cá ngừ mắt to tươi và ướp lạnh, khiến giá loài này giảm tới 30% trong suốt mùa cao điểm tháng 12/2013 so với cùng kỳ năm 2012.

Nhu cầu cá ngừ tươi tại Nhật Bản giảm vào giữa tháng 1/2014, nhưng nhu cầu cá ngừ đông lạnh lại tăng lên. Cuối tháng 12/2013, giá đấu giá cá ngừ mắt to đông lạnh đạt 850 yên/kg, tăng 150 yên/kg (+21%) so với tháng 12/2012.

Chi tiêu cho cá ngừ của các hộ gia đình Nhật Bản tăng do giá cá ngừ trung bình tăng, đặc biệt đối với cá ngừ mắt to chất lượng cao. Tiêu thụ cá ngừ tại các nhà hàng, khách sạn cũng tăng 17% trong năm 2013. Tiêu thụ cá ngừ sashimi thấp hơn trong hè do thời tiết nắng nóng bất thường tại Nhật Bản.

NK thăn cá ngừ đông lạnh vào Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2013 giảm 3% (557 tấn) so với cùng kỳ năm 2012 do XK từ Fiji, Inđônêxia và Pháp giảm. NK từ hai nhà cung cấp lớn nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc cũng như từ Việt Nam tăng. Số nước XK thăn cá ngừ sang Nhật giảm từ con số 19 trong năm 2012 xuống 17 nước trong năm 2013.

NK cá ngừ vào Nhật Bản tháng 1/2014 sụt giảm mạnh nhưng đã lấy lại đà tăng trưởng đáng kể trong tháng 2, với tổng NK cá ngừ tươi và đông lạnh đạt 18.728 tấn trị giá 13.119 triệu yên, tăng 17% về lượng và tăng 43% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ

Thăn cá ngừ đông lạnh được ưa chuộng tại Mỹ, chiếm tới 80% (8.535 tấn) tổng lượng NK cá ngừ đông lạnh không dùng để đóng hộp (10.735 tấn) trong 9 tháng đầu năm 2013.

Cũng trong giai đoạn này, Mỹ NK 35.546 tấn thăn cá ngừ hấp chín để đóng hộp/đóng túi, tăng so với 30.783 tấn cùng kỳ năm 2012.

 Thị trường cá ngừ hộp tại Mỹ vẫn trì trệ trong năm 2013. Tiêu thụ đầu người cá ngừ hộp tại Mỹ xuống mức thấp kỷ lục với 2,4 pao, giảm so với mức 2,6 pao năm 2012. Chưa thấy dấu hiệu lạc quan về sự phục hồi của thị trường này khi nhu cầu tiếp tục suy giảm trong nửa cuối năm 2013. NK cá ngừ hộp của Mỹ năm 2013 có khả năng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

 

Do nhu cầu về cá ngừ ngâm nước muối đã bão hòa, các công ty chế cá ngừ đã đưa ra thị trường một loạt các sản phẩm tiện lợi nhắm đến phân khúc thị trường cao cấp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao. Nhu cầu đối với các sản phẩm giá trị cao ngày càng tăng cũng có tác động tích cực tới NK cá ngừ đóng túi trong 9 tháng đầu năm 2013, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.

EU

Nhìn chung, thị trường tiêu thụ cá ngừ hộp diễn biến chậm trong đầu năm 2014, nhưng nhiều hy vọng sẽ tăng từ tháng 2 trở đi khi các nhà NK, đặc biệt từ Đức và Pháp, bắt đầu tiến hành thu mua.

Năm 2013, thị trường cá ngừ EU tăng trưởng tích cực với lượng NK tăng. NK cá ngừ hộp vào EU từ các nước ngoại khối EU trong 10 tháng đầu năm 2013 tăng 11% về lượng và gần 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012 với tổng 328.190 tấn, trị giá 1,91 tỷ USD. Ba nhà cung cấp lớn nhất vào EU là Ecuađo, Thái Lan và Mauritius, với khối lượng XK vào EU tăng lần lượt 15,6%, 34,8% và 6,9%.

XK cá ngừ Việt Nam: Chưa thấy dấu hiệu khởi sắc

Năm 2013, cá ngừ Việt Nam được XK sang 112 nước và vùng lãnh thổ, tăng so với tổng 96 nước năm 2012. Tuy nhiên, trong khi XK cá ngừ năm 2012 tạo được sức bật phi thường với 569,4 triệu USD, tăng 50,1% so với năm 2011 thì trong năm 2013, XK cá ngừ chỉ đạt 526,7 triệu USD, giảm 7,2% so với năm 2012.

Trong hai tháng đầu năm 2014, XK cá ngừ của Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh, chỉ đạt 73,2 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2013, nguyên nhân chính là do XK sang Mỹ, ASEAN và Nhật Bản giảm mạnh, lần lượt là 30,2%, 29% và 70,3%. EU vẫn là thị trường triển vọng cho cá ngừ Việt Nam, khi XK trong cả năm 2013 đạt 140,7 triệu USD, tăng 24,1%, và tiếp tục tăng 8,9% trong 2 tháng đầu năm 2014, đạt 21,6 triệu USD.


NK cá ngừ Việt Nam vào Ixraen cũng đang tăng trưởng khá nhanh, đạt 17,9 triệu USD năm 2013, tăng 39,2% so với năm 2012. Trong 2 tháng đầu năm 2014, Ixraen đã vượt qua Nhật Bản về giá trị NK cá ngừ Việt Nam với 4,538 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2013 (XK sang Nhật đạt 4,528 triệu USD). 

Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, năm 2014, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu XK cá ngừ đại dương sang 100 nước, trong đó tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản,… với kim ngạch XK dự kiến đạt 560 triệu USD, tăng 6,3% so với năm 2013.

Cá ngừ hiện là mặt hàng XK đứng thứ 3 của Việt Nam sau tôm và cá tra, tuy nhiên, nghề khai thác loài cá này còn nhỏ lẻ chưa được tổ chức theo chuỗi liên kết chặt chẽ từ khai thác, thu mua đến chế biến XK vì vậy hiệu quả sản xuất cuối cùng còn thấp.

Để tận dụng lợi thế nguồn lợi cá ngừ của Việt Nam, nhất là cá ngừ đại dương, đến nay nhiều DN khai thác, DN thu mua và chế biến XK cá ngừ đại dương đã coi đây là một đối tượng mục tiêu có thể nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, cần tập trung chú trọng nhiều hơn đến việc sử dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ, nâng cao tỷ trọng mặt hàng đạt phẩm cấp cao như sản phẩm cá ngừ sashimi.

Hy vọng, việc tổ chức lại sản xuất của ngành cá ngừ trong năm nay sẽ mang lại động lực mới cho ngư dân và các DN, nhưng nhân tố quyết định trong quá trình phục hồi và tiếp tục tăng trưởng của xuất khẩu cá ngừ trong năm 2014.