menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu chè Việt Nam đứng thứ 5 nhưng giá thấp nhất thế giới

07:06 28/10/2013
Giá chè xuất khẩu trung bình đạt 1.582 USD/tấn, tăng 4,85% so với mức giá trung bình 1.509 USD/tấn của năm 2012. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ bằng 60 - 75% giá xuất khẩu bình quân của thế giới.

Giá chè xuất khẩu trung bình đạt 1.582 USD/tấn, tăng 4,85% so với mức giá trung bình 1.509 USD/tấn của năm 2012. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ bằng 60 - 75% giá xuất khẩu bình quân của thế giới.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, tuy là nước xuất khẩu nguyên liệu lớn nhưng ngành chè Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập ở cả 3 công đoạn: trồng, chế biến và tiêu thụ. Trong khâu gieo trồng, do 70% diện tích trồng chè được trồng bởi các nông hộ nhỏ nên chất lượng chè không đồng đều và khó kiểm soát về chất lượng. Trước đây, Việt Nam có 10% diện tích trồng chè được áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, nhưng tới nay chỉ còn khoảng 5% áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. “Vì người dân cho rằng, áp dụng hay không áp dụng tiêu chuẩn này cũng không làm tăng giá trị của chè”, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại, Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT cho biết.

Về chế biến, do các nhà máy được cấp phép tràn lan nên công suất chế biến chè hiện gấp đôi sản lương nguyên liệu. “Hiện cả nước có tới 455 nhà máy chế biến chè nhưng chỉ có trên 300 cơ sở có công suất khoảng 1 tấn/ngày, còn lại hầu hết là nhà máy nhỏ, công nghệ lạc hậu. Do chỉ có 5% số nhà máy có vùng nguyên liệu riêng nên thường xuyên xảy ra tình trạng ‘mua tranh, bán cướp’ do thiếu nguyên liệu”, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết.

Chú trọng kiểm soát chất lượng

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, cùng với quá trình tái cơ cấu của toàn ngành nông nghiệp, đã đến lúc ngành chè chuyển sang tổ chức sản xuất hàng hóa lớn bằng việc tập trung đất đai, từ đó tạo ra các nguồn nguyên liệu đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến công tác thu hái và bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị cho chè Việt Nam”.

Để làm được như vậy, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, ngành chè cần tổ chức quản lý ngành thống nhất từ trung ương xuống địa phương. Quy hoạch vùng chè trọng điểm để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi.

Bên cạnh đó, để giảm hiện tượng tranh mua, tranh bán gây lộn xộn trên thị trường, ông Tuân cho rằng: “Cần giảm số lượng nhà máy chế biến, đặc biệt là các nhà máy không liên kết với vùng nguyên liệu. Với những nhà máy chế biến không nghiêm chỉnh áp dụng quy trình chế biến tốt theo tiêu chuẩn chè an toàn GMP thì phải công bố danh sách trên trang web chính thức của Hiệp hội”.

Ngoài ra, theo ông Đoàn Xuân Hòa, Chính phủ cần có chính sách để liên kết, tạo sự tin tưởng giữa nông dân và doanh nghiệp. “Nhà nước cần sửa luật đất đai để nông dân tự làm chủ trên mảnh đất của mình và có thể dùng để góp cổ phần vào nhà máy. Như vậy, người dân sẽ có trách nhiệm hơn với sản phẩm mình làm ra”, ông Đoàn Xuân Hòa cho biết.

Hiện, người trồng chè còn chậm chuyển hướng theo cơ chế thị trường. Trong khi nhu cầu thị trường chè quốc tế thường không sử dụng những loại chè đậm như ở Việt Nam, hay sử dụng chè đen. Nhưng Việt Nam thì hầu như không thay đổi trong việc trồng chè để đáp ứng thị hiếu này. Do đó, ông Đàn Xuân Hòa cũng cho rằng, ngành chè cần tái cơ cấu lại theo hướng thị trường, tức là trồng và sản xuất chè theo nhu cầu và được quyết định bởi thị trường. Có như vậy, giá bán chè Việt Nam mới có thể tăng cao hơn so với hiện nay.

Nguồn: Báo Tin tức