Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5 năm 2015 ước đạt 2,37 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 5 tháng đầu năm 2015 lên 11,4 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,62 tỷ USD, giảm 7,4%, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như gạo (14,6%) và cà phê (38%); Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,41 tỷ USD, giảm 17%, giảm rất mạnh ở thị trường lớn nhất là Mỹ (30,13%); Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,69 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Kết quả cụ thể một số mặt hàng chủ yếu như sau:
Gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 năm 2015 ước đạt 541 nghìn tấn với giá trị đạt 235 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2,4 triệu tấn và 1,05 tỷ USD, giảm 11,4% về khối lượng và giảm 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 436,7 USD/tấn, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2015 với 33,09% thị phần. Bốn tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 28,11% về khối lượng và giảm 31,06% về giá trị). Đáng chú ý nhất là thị trường Bờ Biển Ngà có sự tăng trưởng đột biến trong 4 tháng đầu năm 2015 với 24,5% về lượng và 22,4% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 3,15% thị phần.
Cà phê: Tháng 4 năm 2015 xuất khẩu cà phê ước đạt 101 nghìn tấn với giá trị đạt 211 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2015 ước đạt 578 nghìn tấn và 1,2 tỷ USD, giảm 39,4% về khối lượng và giảm 38% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 2.072 USD/tấn, tăng 3,58% so với năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 16,52% và 12,19%.
Cao su: Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 5 năm 2015 đạt 78 nghìn tấn với giá trị 114 triệu USD, với ước tính này 5 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 330 nghìn tấn, giá trị đạt 475 triệu USD, tăng 30,1% về khối lượng nhưng giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 1.428 USD/tấn, giảm 27,84% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ân Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015, chiếm 69,03% thị phần.
Chè: Khối lượng xuất khẩu chè tháng 5 năm 2015 ước đạt 10 nghìn tấn với giá trị đạt 16 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 5 tháng đầu năm 2015 ước đạt 43 nghìn tấn với giá trị đạt 70 triệu USD, giảm 2,5% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá chè xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 1.635 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong 4 tháng đầu năm 2015, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam-tăng 79,6% về khối lượng và tăng 84,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Hạt điều : Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 5 năm 2015 ước đạt 32 nghìn tấn với giá trị 221 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2015 đạt 117 nghìn tấn với 828 triệu USD, tăng 14,4% về khối lượng và tăng 27,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 7.146 USD/tấn, tăng 14,09% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 35,571%, 14,66% và 10,49% tổng giá trị xuất khẩu.
Tiêu: Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 5 năm 2015 ước đạt 18 nghìn tấn, với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 5 tháng đầu năm 2015 lên 74 nghìn tấn với giá trị 677 triệu USD, giảm 21,1% về khối lượng nhưng tăng 2,1% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 9.185 USD/tấn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất – 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 chiếm 44,08% thị phần.
Gỗ và sản phẩm gỗ: Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 5 năm 2015 đạt 488 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2015 đạt gần 2,56 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 – chiếm 65,3% tổng giá trị xuất khẩu.
Thuỷ sản: Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5 năm 2015 ước đạt 524 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2015 đạt 2,41 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,55% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 370,25 triệu USD, giảm 30,13% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giảm đáng kể với mức giảm là 11,31%. Xuất khẩu tăng trưởng ở các thị trường như Thái Lan (tăng 13,52%) và Hà Lan (tăng 0,21%).
Sắn và các sản phẩm từ sắn : Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 5 năm 2015 ước đạt 449 nghìn tấn, với giá trị đạt 131 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2015 đạt 2,41 triệu tấn với giá trị 725 triệu USD, tăng 50,9% về khối lượng và tăng 44,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Trong 4 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm 89,41% thị phần, tăng 46,47% về khối lượng và tăng 42,87% về giá trị.
Nhập khẩu một số mặt hàng chính
Giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2015 ước đạt 9,25 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 7,13 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tình hình nhập khẩu của một số mặt hàng chính như sau:
Phân bón: Ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 5 năm 2015 đạt 377 nghìn tấn với giá trị 118 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 5 tháng đầu năm 2015 đạt 1,63 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 510 triệu USD, tăng 12,7% về khối lượng và tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 56 nghìn tấn với giá trị đạt 17 triệu USD, tăng 47,8% về khối lượng và tăng 31,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014; phân SA ước đạt 340 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 47 triệu USD, giảm 22% về khối lượng và giảm 22,2% về giá trị so với năm 2014. Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, mặc dù giảm hơn năm 2014 nhưng vẫn chiếm tới 42 % tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.
Thuốc trừ sâu và nguyên liệu : Ước giá trị nhập khẩu trong tháng 5/2015 đạt 91 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2015 đạt 351 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 55% tổng giá trị của mặt hàng này.
Gỗ và sản phẩm gỗ: Uớc giá trị nhập khẩu tháng 5/2015 đạt 206 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2015 đạt 908 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào chiếm tỷ trọng 22,6%, tiếp đến là Campuchia và Trung Quốc lần lượt chiếm 15,6% và 10,4% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.
Lúa mì: Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 5/2015 đạt 188 nghìn tấn với giá trị đạt 48 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu lúa mì trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 951 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 260 triệu USD, tăng 13,7% về khối lượng nhưng lại giảm 2,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu lúa mì chính là Úc, chiếm tới 52,9%; tiếp đến là Brazil chiếm 30,7% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này.
Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5/2015 ước đạt 211 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2015 đạt 1,38 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2014.Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Achentina (chiếm 36,2% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (19,5%) và Trung Quốc (7,7%).
Cao su : Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 5/2015 đạt 39 nghìn tấn với giá trị đạt 65 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 160 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 273 triệu USD, tăng 29,6% về khối lượng và tăng 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu từ các nước như Hàn Quốc (chiếm 19,9%), Nhật Bản (16,3%) và Campuchia (13,4%).
Thủy sản: Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 5/2015 đạt 83 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2015 đạt 434 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường nhập khẩu chính là Ấn Độ (chiếm 31,9%) tiếp đến là Hàn Quốc và Nauy (chiếm 7,0%).
Hạt điều: Khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 5/2015 ước đạt 86 nghìn tấn với giá trị đạt 102 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 285 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 375 triệu USD, gấp 2,1 lần về khối lượng và gấp 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Đậu tương: Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 5/2015 đạt 183 nghìn tấn với giá trị 83 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 732 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 349 triệu USD, giảm 0,4% về khối lượng và giảm 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Ngô: Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 5/2015 đạt 634 nghìn tấn với giá trị đạt 146 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 2,87 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 622 triệu USD, tăng 30,3% về khối lượng và tăng 16,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Braxin, Achentina và Ấn Độ là ba thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này, chiếm lần lượt 74,3%; 17,9% và 4,4% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này.
Nguồn:Hải quan Việt Nam