Tháng 11/ 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 17,9% so với tháng 11 năm 2012. Tổng hợp 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121,023 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 74,56 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Với tình hình như hiện nay, thì xuất khẩu cả năm có thể đạt 133-133,5 tỷ USD, vượt mức dự báo từ tháng trước (131 tỷ), tăng hơn 16% và cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đầu năm (126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012).
Đến nay đã có 21 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó Nhóm Công nghiệp chế biến là 16 còn lại 5 mặt hàng thuộc Nhóm Nông, lâm, thuỷ sản. Đồng thời cũng xuất hiện hai mặt hàng gần đạt 1 tỷ USD. Đó là Rau quả (937 triệu USD), Sắn và các loại sản phẩm từ sắn (999 triệu USD ).Nếu giữ nhịp như tháng 11 thì cả năm sẽ vào TOP 1 tỷ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 85,5 tỷ USD, tăng 27,3% và chiếm tỷ trọng khoảng 70,6%, khẳng định Nhóm này tiếp tục giữ vị thế hàng đầu của sự tăng trưởng xuất khẩu vừa với tỷ trọng lớn vừa với tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của Tổng kim ngạch xuất khẩu và vì với số lượng áp đảo các mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Nhiều mặt hàng trong Nhóm có kim ngạch tăng như: Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc; hóa chất; sản phẩm chất dẻo; túi sách, vali, mũ, ô dù; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ và sản phẩm từ gỗ; hàng dệt và may mặc; xơ, sợi dệt các loại; giày dép các loại; nguyên phụ liệu, dệt may, da giày; sắt thép các loại; sản phẩm từ sắt thép; kim loại thường khác và sản phẩm; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dây điện và dây cáp điện; phương tiện vận tải và phụ tùng... Tuy nhiên, một số sản phẩm có kim ngạch giảm như: phân bón giảm; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm.
Trong số các mặt hàng nói trên, đáng chú ý tới mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện.tăng tới 78,4% đạt kim ngạch 20,3 tỷ USD, đứng đầu danh mục các mặt hàng đạt từ m 1 tỷ USD trở lên. Riêng kim ngạch mặt hàng này đã vượt kim ngạch cả Nhóm nông, lâm, thuỷ sản.
Về mặt hàng dệt may, tính đến hết tháng 11 so với cùng kỳ, riêng 4 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (chiếm gần 72% kim ngạch xuất khẩu của ngành) có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá cao: Mỹ tăng 15,5% (tương ứng khoảng 1,06 tỷ USD); Nhật Bản tăng 23,4% (tương ứng khoảng 426 triệu USD); Hàn Quốc tăng 51,6% (tương ứng khoảng 624 triệu USD); Trung Quốc tăng 49,1% (tương ứng khoảng 390 triệu USD).
Kim ngạch xuất khẩu Nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 18,12 tỷ USD, giảm 5,8% và chiếm tỷ trọng 14,97% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: thủy sản; rau quả; nhân điều; hạt tiêu. Tuy nhiên, cà phê giảm 26,1%; gạo giảm 18,8%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 19,2%; cao su giảm 13,4%.
Nhóm nhiên liệu, khoáng sản kim ngạch xuất khẩu ước 8,7 tỷ USD, giảm 18,7% và chiếm tỷ trọng gần 7,2%, trong đó: Than đá giảm 28,7%; dầu thô giảm 14,4%; xăng dầu các loại giảm 34,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 10,1%
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa khác ước đạt 8,75 tỷ USD, tăng 22,9% và chiếm tỷ trọng 7,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xét trên phương diện giá xuất khẩu, một số mặt hàng xuất khẩu dưới dạng thô nên chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới giảm, như: nhân điều; hạt tiêu; gạo; cao su; than đá; dầu thô; xăng dầu các loại; quặng và khoáng sản khác; phân bón; chất dẻo nguyên liệu; sắt thép các loại... Tuy vậy, bù lại cũng có một số mặt hàng giá tăng như chè các loại; sắn và sản phẩm từ sắn; xơ, sợi dệt các loại.
Đứng về mặt số lượng, các mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng gồm: nhân điều; hạt tiêu; than đá; quặng và khoáng sản khác; xơ, sợi dệt các loại; sắt, thép các loại.. Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm như: cà phê; chè các loại; gạo; sắn và các sản phẩm từ sắn; dầu thô; xăng dầu các loại; phân bón các loại...
(Nguồn: ttnn.com.vn)
Nguồn:Tin tham khảo