menu search
Đóng menu
Đóng

7 giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước

09:46 30/03/2009
Là nước đông dân, Việt Nam có thị trường nội địa rộng lớn. Trong nhóm các nước đang phát triển, Việt Nam hiện được coi là một điểm đầu tư hấp dẫn trong lĩnh vực bán lẻ. Mức lưu chuyển hàng hóa của thị trường trong nước liên tục tăng trưởng trong những năm qua.
           Tuy vậy, hoạt động XTTM còn một số mặt bất cập. Cơ sở vật chất cho hoạt động XTTM quy mô toàn quốc còn hạn chế, ở các địa phương còn nhiều thiếu thốn. Nhiều HCTL phải tiến hành tại Nhà bảo tàng, Trung tâm Văn hóa, Sân vận động... Tại một số HCTL, hàng hóa trưng bày không nổi trội, trùng lặp; vài DN chỉ nhằm bán hàng, không lo thăm dò thị trường để có đối sách với từng mặt hàng và mở rộng thị trường về lâu dài. Bên cạnh đó, thông tin thu thập chưa thật phong phú, chuyển tải chưa nhanh, khả năng phân tích, dự báo, năng lực vận dụng hạn chế, đề ra đối sách chưa nhạy bén với những diễn biến thất thường của cung cầu, giá cả thị trường. Cũng còn có khoảng cách giữa trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ so với yêu cầu. Nhân sự của một số tổ chức XTTM được điều chuyển từ các khâu nghiệp vụ khác sang, chưa kịp đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ. Nhiều tổ chức XTTM chưa thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng thực hành giỏi về XTTM. Khả năng tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài còn hạn chế. Có trường hợp quảng cáo thương mại, khuyến mại lạm dụng kỹ xảo, chạy theo lợi nhuận, làm sai lệch mục đích của dịch vụ này.
      Những yếu kém đó còn có nguyên nhân do XTTM là hoạt động mới, trong bối cảnh đang hoàn thiện cơ chế vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn tài chính ở nơi này nơi khác còn eo hẹp, công tác XTTM lại chưa được quan tâm đúng mức, nên có nơi ngân sách mới chỉ để duy trì bộ máy hành chính của tổ chức XTTM, chưa thể triển khai nhiều hoạt động khác.
      Tình hình đó đã làm cho nhịp độ lưu chuyển hàng hóa trong nước chưa đạt kết quả như mong muốn. Thu nhập bình quân theo đầu người chỉ bằng 33% mức bình quân của thế giới và sức mua theo tỷ giá hối đoái đứng thứ 133 thế giới. Hơn nữa, hiện nay cần phải hạn chế tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và từ ngày 1-1-2009, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ hoàn toàn cho các nhà phân phối nước ngoài. Vì thế, việc tiếp tục phát triển thị trường trong nước vừa cấp thiết, vừa là vấn đề chiến lược, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, gián tiếp giảm nhập siêu, nhất là dòng hàng từ các nền kinh tế ngoài nước tràn vào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Muốn đạt mục tiêu đó cần có hệ thống đồng bộ các giải pháp, trong đó riêng với hoạt động XTTM nội địa, cần các giải pháp sau.
      +Một là, đổi mới cơ chế chính sách, trước hết về tài chính, vừa huy động được nhiều nguồn tài lực cho XTTM, vừa động viên những người tâm huyết với sự nghiệp XTTM. Sớm ra đời Quỹ Xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch, thay cho quỹ hỗ trợ cho xuất khẩu đã được hủy bỏ.
      +Hai là, hoàn thiện hệ thống XTTM, tạo ra sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức XTTM của các địa phương, các ngành hàng, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của mỗi tổ chức, vừa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Ban hành văn bản pháp lý quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy của tổ chức XTTM địa phương.
      +Ba là, trên cơ sở khảo sát tổng thể hiện trạng về cơ sở hạ tầng cho XTTM, sẽ điều tra, khảo sát và xây dựng các dự án hài hòa trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn quốc cũng như của địa phương. Trên cơ sở đó tập trung tài lực xây dựng các Trung tâm HCTL, Trung tâm tổ chức hội nghị và sự kiện, sàn giao dịch..., ngang tầm khu vực và thế giới.
      +Bốn là, tăng cường việc đào tạo với nhiều hình thức, bằng nhiều nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho cán bộ các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, các hiệp hội ngành hàng; tăng cường kỹ năng tiếp thị, bán hàng của DN.
      +Năm là, ứng dụng công nghệ điện tử, tăng cường năng lực khai thác, tiếp nhận, phân tích, xử lý, dự báo thông tin trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông, nhất là ở các Sở Công thương, các tổ chức XTTM địa phương, các hiệp hội ngành hàng.
      +Sáu là, xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp nhằm góp phần nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa chất lượng tốt, hợp thị hiếu, giá cả hợp lý làm phong phú quỹ hàng hóa, kích thích người tiêu dùng.
      +Bảy là, tuyên truyền, nâng cao khả năng của người tiêu dùng nhận biết về chất lượng, công năng hàng hóa để thúc đẩy các nhà sản xuất cải tiến mẫu mã, bảo đảm vệ sinh an toàn, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh. 
(Vietrade)

Nguồn:Vinanet