menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương tổ chức đoàn khảo sát thị trường bông Burkina Faso và Mali

14:48 02/03/2011
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), từ ngày 08 đến ngày 16 tháng 01 năm 2011, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (KV4) đã tổ chức đoàn khảo sát thị trường bông, sợi tại hai nước Burkina Faso và Mali.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), từ ngày 08 đến ngày 16 tháng 01 năm 2011, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (KV4) đã tổ chức đoàn khảo sát thị trường bông, sợi tại hai nước Burkina Faso và Mali.

Đoàn gồm 12 thành viên trong đó có đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và 4 doanh nghiệp.

Tại Burkina Faso, đoàn đã được bà Amelie Tamboura, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Xúc tiến Doanh nghiệp và Thủ công tiếp thân mật. Tại buổi tiếp, hai bên đã điểm lại tình hình trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian qua và nhất trí cho rằng mặc dù có sự tăng trưởng song kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Burkina Faso vẫn còn khiêm tốn. Trong 9 tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Burkina Faso 3,8 triệu USD các mặt hàng dệt may, máy móc, thiết bị phụ tùng, máy vi tính, bánh kẹo và nhập khẩu 14,2 triệu USD bông và hạt điều thô.

Bà Amelie Tamboura, người đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bông Burkina Faso (Sofitex) đánh giá cao việc đoàn Việt Nam sang Burkina Faso tìm hiểu ngành hàng bông và tìm kiếm cơ hội mua bông trực tiếp. Thứ trưởng cho biết bông là cây trồng chiến lược của nền kinh tế Burkina Faso, nuôi sống 2 triệu người. Vì vậy, Chính phủ có những biện pháp phát triển ngành này như thông báo giá mua bông cho người sản xuất theo mùa vụ, trợ giá phân bón cho người trồng bông, hỗ trợ tài chính cho Sofitex mua vật tư, phổ biến việc trồng bông biến đổi gien nhằm tăng năng suất và tiết kiệm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Chính phủ cũng chủ trương tư nhân hoá Sofitex vào năm 2011. Sofitex là công ty bông lớn nhất Burkina Faso, chiếm tới 85% sản lượng bông của cả nước. Sofitex đảm nhận những chức năng như thu mua, vận chuyển và tách hạt bông, kinh doanh sợi và hạt bông, cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân, thúc đẩy sản xuất vải sợi, v.v… Hiện nay, bông là sản phẩm xuất khẩu số 1 của Burkina Faso, chiếm 60% doanh thu xuất khẩu, đóng góp 25% GDP của cả nước. Bông của Burkina Faso được xuất khẩu sang hầu hết các nước trên thế giới trong đó châu Á chiếm 68%. 9 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã nhập khẩu từ Burkina Faso 13 triệu USD bông sợi (năm 2009 là 5,1 triệu USD).

Nhân dịp này, đoàn đã đi tham quan Phòng thí nghiệm về kiểm tra chất lượng và chứng nhận các giống bông; thăm các nhà máy tách hạt bông, nhà máy kéo sợi, các cánh đồng và điểm thu mua bông của công ty Sofitex; thảo luận và toạ đàm với các nhà sản xuất bông.

Tại Cộng hoà Mali, đoàn đã đến làm việc với Tổng công ty phát triển Dệt (CMDT) tại thành phố Sikasso. Ông Tiena Coulibaly, Chủ tịch Tổng giám đốc của CMDT cho biết đây là công ty phụ trách quản lý ngành bông quốc gia với những chức năng như tư vấn nông nghiệp cho người sản xuất bông, thu gom, kinh doanh và tách hạt bông, xuất khẩu và bán bông sợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp của Mali. Hiện nhà nước đang nắm giữ 99,49% vốn của CMDT. Tại Mali, cây bông cũng giữ vai trò chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội, là sản phẩm xuất khẩu đứng thứ hai sau vàng. Mỗi năm xuất khẩu bông thô đóng góp từ 30-40% thu xuất khẩu, 8% GDP, nuôi sống 3,3 triệu người. Năm 2009, xuất khẩu bông của Mali đạt 400 triệu USD. Theo Hải quan Việt Nam, năm 2009, nước ta đã nhập khẩu từ Mali 14,2 triệu USD tiền bông, còn trong 9 tháng đầu năm 2010, con số này đã lên đến 23,3 triệu USD (trên tổng số 24 triệu USD).

Trong thời gian ở Mali, đoàn cũng đi thăm các điểm thu mua bông và toạ đàm với những nhà sản xuất bông, thăm nhà máy tách hạt bông và có buổi làm việc với Lãnh đạo vùng Sicasso.

Kết thúc chuyến khảo sát thị trường bông hai nước Burkina Faso và Mali, đoàn Việt Nam đã thu được những thông tin hữu ích về cây bông Tây Phi, quy trình thu hoạch, tách hạt, kiểm nghiệm, phân loại và kéo sợi cũng như chính sách phát triển sản xuất và kinh doanh bông. Chuyến đi còn tăng thêm niềm tin cho doanh nghiệp Việt Nam đối với chất lượng bông Tây Phi và tạo cơ sở thiết lập quan hệ thương mại trực tiếp với hai tổng công ty bông hàng đầu khu vực này.

Nguồn: thuongvuvietnam.com.vn

Nguồn:Vinanet