menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm: Bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu

11:29 14/04/2009
Đứng trước tình hình nhập khẩu gia tăng, hàng nhập khẩu cạnh tranh khốc liệt với hàng sản xuất trong nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đối với sản xuất trong nước, trong đó về cơ bản là các biện pháp tăng thuế và chống gian lận thương mại. Trong bối cảnh đó, ngày 10/4, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã tổ chức buổi Tọa đàm "Bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu: Các công cụ phòng vệ thương mại quốc tế - những điều doanh nghiệp cần biết".
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích giúp cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội có được đầy đủ thông tin về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước trước sức ép của hàng nhập khẩu. Trước tình hình khủng hoảng kinh tế đang lan rộng chưa có điểm dừng, các nước trên thế giới đã và đang đưa ra nhiều chính sách nhằm kích thích kinh tế, bảo vệ sản xuất trong nước, duy trì việc làm, kiềm chế đà suy thoái. Trong những chính sách này có việc tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm các biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Những động thái này đã có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã phải đối mặt với 02 vụ kiện chống bán phá giá: vụ thứ nhất đối với sản phẩm giày không thấm nước từ Canada, vụ thứ hai đối với mặt hàng túi nhựa đựng hàng hóa bán lẻ bằng sợi Polyetylen từ Hoa Kỳ. Trong vụ kiện đối với mặt hàng túi nhựa, Hoa Kỳ đồng thời kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp và vụ việc này có nguy cơ trở thàng một tiền lệ xấu đối với các hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác cũng đang có nguy cơ cao bị kiện từ các thị trường EU, Argentina, Brazil...
Bên cạnh việc xuất khẩu bị tác động nặng nề và nhu cầu thị trường giảm sút nghiêm trọng, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam còn bị hàng hóa nhập khẩu (do ứ đọng và giảm tiêu thụ tại các thị trường khác...) tìm mọi cách thâm nhập thị trường và cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu và đang phải chịu thua lỗ kéo dài.
Trong thời gian không dài, tính từ vụ kiện đầu tiên năm 1994, đến nay các hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã trải qua 37 vụ kiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã gây được nhiều ấn tượng, hàng hóa của Việt Nam đã bước đầu cạnh tranh và khẳng định được trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm hiểu, học hỏi pháp lệnh áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chủ động bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp mình trước tình chung của thế giới.
Tại buổi tọa đàm, Cục Quản lý cạnh tranh đã giải đáp nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp và các Hiệp hội trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài, Cục đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cũng như tài liệu hỏi đáp và hướng dẫn về pháp luật chống phá giá của Việt Nam, pháp luật tự vệ, chống trợ cấp của Việt Nam và WTO...

Nguồn:Vinanet