menu search
Đóng menu
Đóng

Chính sách kinh tế mới của Algeria và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

14:12 19/07/2010
Nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, An-giê-ri đã ban hành Luật Tài chính bổ sung 2009 và Luật Tài chính 2010 theo đó có một số nội dung chính đáng chú ý như sau
Nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, An-giê-ri đã ban hành Luật Tài chính bổ sung 2009 và Luật Tài chính 2010 theo đó có một số nội dung chính đáng chú ý như sau:
1. Về nhập khẩu: Trước đây, việc thanh toán hàng nhập khẩu vào An-giê-ri được thực thi bằng nhiều hình thức như TTR, D/P, D/A hoặc L/C, nhưng kể từ 1/8/2009 trở đi chỉ được thực hiện bằng một phương thức duy nhất là Tín dụng chứng từ (L/C).
2. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài: Đối với các liên doanh sản xuất, trước đây, đối tác nước ngoài được phép góp vốn đầu tư tại An-giê-ri lên đến 100%. Nhưng theo qui định mới này, bên nước ngoài chỉ được phép góp vốn tối đa 49%; 51% còn lại thuộc về đối tác (hoặc các đối tác) An-giê-ri.
Đối với đầu tư kinh doanh, trước đây bên nước ngoài có thể được phép nắm giữ tối đa lên đến 100% vốn. Nhưng nay chỉ được phép nắm giữ tối đa 70%; 30% vốn tối thiểu còn lại phải được dành cho các đối tác An-giê-ri. Hay nói khác đi, nếu một doanh nhân nước ngoài muốn thành lập công ty kinh doanh tại An-giê-ri thì phải có đối tác An-giê-ri cùng tham gia với ít nhất 30% vốn.
3. Chính sách chi tiêu ngân sách công: Đối với các dự án hoặc các thương vụ chi tiêu bằng ngân sách công, Luật tài chính qui định phải được thực hiện qua phương thức mời thầu.
4. Về chính sách phát triển kinh tế-xã hội: Tiếp theo Chương trình hỗ trợ phát triển giai đoạn 2005-2009, Chính phủ An-giê-ri vừa thông qua kế hoạch 5 năm 2010-2014 với khoản ngân sách dự chi khổng lồ của Chính phủ 286 tỷ USD nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó 130 tỷ để tiếp tục hoàn thành các công trình đã triển khai từ kế hoạch 5 năm trước và 156 tỷ USD để thực hiện các dự án mới. Khoản ngân sách mới dự kiến được phân bổ như sau:
+ Phát triển cơ sở hạ tầng: chiếm gần 40% ngân sách, nhằm phát triển và hiện đại hoá hệ thống giao thông, công chính (hệ thống đường bộ, đướng sắt, bến cảng, sân bay, tàu điện, viến thông…);
+ Phát triển xã hội: chiếm 40% ngân sách nhằm xây mới 5.000 trường học, chỗ ở cho 400.000 sinh viên, xây thêm 300 cơ sở đào tạo và dạy nghề, đào tạo thêm 600.000 giáo viên đại học, 1.500 công trình hạ tầng cho ngành y tế trong đó 172 bệnh viện; 2 triệu căn hộ sẽ được xây dựng, trong đó 1,2 triệu căn hộ sẽ phải hoàn thành, số còn lại cũng sẽ được khởi công trước cuối 2014. Xây mới 35 đập chứa nước và 25 hệ thống xử lý nước sinh hoạt. Điện khí hoá cho 220.000 căn hộ nông thôn…
+ Phát triển các ngành kinh tế: chiếm khoảng 20% ngân sách nhằm đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, thành lập mới 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây mới và hiện đại hoá 80 khu công nghiệp, nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phổ cập tin học…
Việc thực thi các luật, chính sách mới này của Chính phủ An-giê-ri sẽ mang lại nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng, khai thác các cơ hội này.  
Với nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, An-giê-ri là cường quốc kinh tế thứ 2 của Châu Phi (sau Nam Phi). Tuy nhiên, ngoài dầu khí, khả năng sản xuất trong nước của các lĩnh vực khác còn rất hạn chế, nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội lại tăng cao, trong những năm gần đây, mỗi năm An-giê-ri phải nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD, chủ yếu tập trung máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, nông sản thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Về phương thức thanh toán L/C áp dụng cho các lô hàng nhập khẩu hiện nay, bước đầu tuy có một số khó khăn về thủ tục, nhưng đến nay các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp An-giê-ri ã thuần thục hơn, thời gian mở L/C ngày càng được rút ngắn và đã trở thành một yếu tố thuận cho các doanh nghiệp nhập khẩu An-giê-ri cũng như các đối tác nước ngoài. L/C đã giúp giảm thiểu rủi ro trong việc thu hồi tiền hàng cho các nhà xuất khẩu nước ngoài. Một khi đã có L/C và bộ chứng từ giao hàng hợp lệ thì rủi ro trong việc thanh toán tiền hàng hầu như không còn. Đây là sự khác biệt hơn hẳn so với các phương thức thanh toán cũ.
Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm là phải tranh thủ khai thác Chương trình phát triển kinh tế Chính phủ An-giê-ri với kinh phí đầu tư lên tới 286 tỷ USD trong 5 năm tới cũng như chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của An-giê-ri. Việt Nam đã chậm chân trong kế hoạch 5 năm 2005-2009, nay không thể tiếp tục bỏ lỡ kế hoạch 2010-2014. Điều thiết yếu lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, giao thông công chính, thuỷ lợi, viễn thông, điện khí hoá nông thôn… nên có mặt ngay tại An-giê-ri để tham gia đấu thầu, xây dựng các công trình.
Thành công trong các công trình xây dựng tại An-giê-ri, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ thu được thành quả trong các dự án mà còn phát triển tốt những tiềm năng khác về xuất khẩu thiết bị, máy móc, vật liệu xây dựng, hàng hoá phục vụ các công trình cũng như xuất khẩu nhân lực lao động. Tham gia có hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế của Chính phủ An-giê-ri không những sẽ thay đổi cục diện hợp tác kinh tế hai nước mà còn là yếu tố đột phá để tăng tốc kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang An-giê-ri.
Cơ hội là hiện hữu, to lớn và khả thi. Vấn đề còn lại là chiến lược và hành động của các doanh nghiệp Việt Nam.
(Nguồn: www.ttnn.com.vn)