menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết: Nhu cầu nhập khẩu gạo tại các nước Tây Phi

09:25 30/03/2011
 


Bénin

Mặc dù trong vài năm qua, sản xuất lúa của Bénin không ngừng tăng nhưng cũng chỉ đạt 30.000 tấn đáp ứng từ 10 đến 15% nhu cầu trong nước (80.000 tấn gạo). Một vấn đề nữa đối với gạo trong nước là chất lượng kém, chứa nhiều tạp chất do công nghệ chế biến lạc hậu. Do vậy, trung bình mỗi năm Bénin phải nhập khoảng 50.000 tấn gạo.

Bên cạnh việc nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước, Bénin còn mua gạo để tái xuất sang Nigiêria, khối lượng từ 50.000 đến 150.000 tấn mỗi năm. Tại nước láng giềng Nigiêria, mặc dù sản xuất gạo không đủ cho tiêu dùng trong nước nhưng thuế nhập khẩu gạo lại rất cao: 100%. Do vậy, việc nhập khẩu gạo của Bénin thường phụ thuộc vào những quy định thương mại của nước láng giềng Nigiêria và sản lượng lúa trong nước.

Một điểm đáng lưu ý nữa là mỗi năm, Nhật Bản viện trợ cho Bénin khoảng 5000 tấn gạo, đôi khi chiếm tới 10% nhu cầu quốc gia. Gạo này được bán với giá thấp hơn giá gạo trong nước rất nhiều do được miễn thuế nhập khẩu.

Hiện nay thị trường nhập khẩu gạo vào Bénin chủ yếu do 5 công ty lớn là SHERIKA, ABC, SONAM, DIFEZI và TUKIMEX nắm độc quyền, có tầm hoạt động trong khu vực, quyết định giá bán tại Bénin. Việc tiêu thụ gạo của Bénin ngày càng tăng, từ 69.306 tấn vào năm 2003 lên 93.172 tấn năm 2005 và ước đạt 110.812 tấn năm 2010.

Những nước cung cấp chính là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2009, ta đã xuất được 11900 tấn gạo trị giá 17,55 triệu USD sang thị trường này. Năm 2010, lượng gạo xuất khẩu sang Benin giảm xuống còn 225 tấn với tổng giá trị 4,1 triệu USD.

Bờ Biển Ngà                                                             

            Tại Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), cùng với việc đô thị hoá nhanh và thay đổi thói quen ăn uống, nước này mỗi năm phải nhập khẩu 800.000-900.000 tấn gạo.

Nhu cầu về gạo đã tăng gấp ba lần từ 300.000 tấn năm 1990 lên 750 nghìn tấn năm 2003 và 900.000 tấn năm 2010. Ước tính mỗi người dân tiêu thụ khoảng 60 kg/người/năm trong khi sản xuất trong nước chỉ đạt 20-30.000 tấn/năm. 90% gạo nhập khẩu vào Côte d’Ivoire có nguồn gốc từ Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Việt Nam. Công ty SDTM-CI của ông Ibrahim Ezzedine (người mang hai dòng máu Libăng và Côte d’Ivoire) nắm giữ tới 70% thị trường NK gạo trước công ty Olam Ivoire chiếm chưa đến 10% thị phần.

            Năm 2010, Bờ Biển Ngà đã nhập khẩu từ Việt Nam 98.654 tấn gạo đạt giá trị 122,4 triệu USD.

Nigeria

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê Nigeria, nhu cầu tiêu thụ gạo của nước này khoảng 2,5 triệu tấn/năm, trong khi đó sản lượng trong nước chưa đáp ứng được 50% nhu cầu. Những năm gần đây, Nigeria phải chi bình quân 3 tỷ USD/năm để nhập khẩu lương thực, thực phẩm trong đó riêng gạo đã chiếm tới 2 tỷ USD. Gạo được nhập khẩu chủ yếu từ Thái lan (700 triệu đến 1 tỷ USD/năm), Ấn Độ, Hoa Kỳ, Trung Quốc, và được đưa về các cảng của Nigeria vào 2 thời điểm chính là trước lễ Ramadan của người Hồi giáo và trước Lễ giáng sinh của người Thiên chúa giáo.

Về thị hiếu, gạo đồ (Parboiled Rice), basmati của Ấn Độ được ưa chuộng nhất và cũng là hai loại gạo có nhu cầu cao nhất. Mặc dầu vậy, gạo hương nhài, hạt dài không dính của Thái Lan cũng chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường bán lẻ.

Để có đủ lương thực, Chính phủ Nigeria phải bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu gạo từ năm 2007, và cho các doanh nghiệp nhập khẩu từ 500.000 tấn gạo trở lên được nợ thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, gạo lại là mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu. Ngoài ra doanh nghiệp cần phải có giấy chứng nhận của Cục quản lý và giám định chất lượng lương thực và thuốc chữa bệnh quốc gia (NAFDAC) mới được nhập khẩu vào Nigeria. Cùng với khó khăn về thanh toán, đây là một trong những rào cản lớn nhất cho các nước xuất khẩu gạo thâm nhập thị trường Nigeria.

Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu được 7000 tấn gạo sang Nigeria đạt giá trị 8,4 triệu USD. Năm 2010, con số này đã giảm xuống còn 2600 tấn gạo trị giá 1,2 triệu USD.

Senegal

            Tại Senegal, nhu cầu nhập khẩu lương thực trung bình là 800.000 tấn gạo và 300.000 tấn lúa mì mỗi năm với chi phí khoảng 305 triệu euro.

Loại gạo mà người dân Senegal ưa chuộng nhất là gạo tấm chiếm đến 99% tổng lượng nhập khẩu. Trên thị trường quốc tế, gạo tấm được xem là thứ phẩm do vậy giá rẻ hơn nhiều so với gạo nguyên hạt. Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2008, những tiêu chí về chất lượng của người tiêu dùng Senegal vẫn là độ trắng của gạo, mùi vị, độ sạch, tỷ lệ gạo gẫy cũng như độ nở. Trong khi mức tiêu thụ bình quân trên thế giới khoảng 40 kg gạo/người/năm thì ở Senegal con số này là 70 kg/người /năm và kể từ những năm 70, gạo đã thay thế hạt kê làm thức ăn cơ bản. Trong những hộ gia đình thành thị, gạo chiếm 54% tiêu thụ ngũ cốc và 18% tổng chi tiêu. Thái Lan là nước chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường gạo Senegal với 44 %, tiếp đến là Việt Nam 27% và Braxin 9%. Các nước Pháp, Canađa và Mỹ là những nhà cung cấp lúa mì cho quốc gia Tây Phi này.

Năm 2009, xuất khẩu gạo của ta sang Senegal đạt 63 950 tấn, đạt giá trị 91,8 triệu USD. Năm 2010, Senegal chỉ nhập khẩu của Việt Nam 18 960 tấn gạo với tổng giá trị 59,7 triệu USD.

Togo

Tại Togo, việc tiêu thụ gạo chỉ đứng thứ 3 sau ngô và lúa miến. Theo một nghiên cứu, mức tiêu thụ bình quân trong nước là 15kg gạo/người dân mỗi năm. Với tỷ lệ tăng trưởng dân số 2,4% mỗi năm, nhu cầu về gạo trắng sẽ lên tới 108.803 tấn vào năm 2018.

Sản xuất lúa trong nước không đáp ứng được nhu cầu tại địa phương do vậy việc thiếu hụt phải bù đắp bằng nhập khẩu mặc dù Togo có tiềm năng phát triển loại cây lương thực này. Năm 2006, Togo đã nhập khẩu khối lượng kỷ lục là 104.191 tấn gạo trắng. Hiện tại, nước này phải mua mỗi năm khoảng 90.000 tấn gạo, chủ yếu từ Thái Lan.

Năm 2010, Togo đã nhập khẩu từ Việt Nam 590 tấn gạo với tổng giá trị 19,1 triệu USD.

Ghi-nê (Guinea)

Mặc dù là nước sản xuất lúa lớn thứ hai tại châu Phi sau Nigiêria nhưng sản lượng gạo vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Với diện tích canh tác là 450.000 ha, sản lượng trung bình năm là 800.000 tấn thóc tương đương 533.000 tấn gạo, nước này hiện phải nhập khẩu 325.000 tấn gạo mỗi năm, tức là tăng 40% so với cách đây 10 năm. Một người dân tiêu thụ gần 100 kg gạo mỗi năm.

Ghi-nê chủ yếu mua gạo từ các nước Inđônêxia, Ấn Độ, Ai Cập và Việt Nam.

Phần lớn gạo địa phương được tiêu thụ và kinh doanh dưới dạng gạo đồ. Đây là loại gạo thu được từ lúa ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn khác. Nói chung, người tiêu dùng thừa nhận gạo đồ của địa phương có chất lượng ẩm thực, mùi vị và dinh dưỡng cao hơn gạo trắng nhập khẩu từ Đông Nam Á. Ngoài ra, gạo này được đánh giá là « sạch » vì có ít tấm và tạp chất như sỏi. Tuy nhiên, một bộ phận người dân nông thôn lại thích gạo trắng của địa phương hơn vì dễ làm nhiều món ăn và giảm thời gian chuẩn bị. Do vậy, về mặt chủng loại, tại Ghi-nê có 3 loại gạo: gạo đồ của địa phương, gạo trắng nhập khẩu và gạo trắng địa phương.

Năm 2010, Ghi-nê nhập khẩu từ Việt Nam 39685 tấn gạo với tổng giá trị 37,3 triệu USD.

Ghana

Do dân số tăng cao nên nhu cầu tiêu thụ gạo tại Ghana ngày càng lớn, vào khoảng 550.000 tấn/năm. Sản xuất lúa trong nước chỉ đáp ứng được 150.000 tấn, vì vậy quốc gia này mỗi năm phải nhập khẩu trung bình 400.000 tấn gạo trắng.

Năm 2010, Ghana đã nhập khẩu từ Việt Nam 67246 tấn gạo với tổng giá trị 65,2 triệu USD.

Nguồn:Vinanet