menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết: Nhu cầu rau quả thị trường EU

16:02 22/04/2009
Liên Minh Châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu lớn đối với các mặt hàng quả, rau, ngũ cốc và cà phê.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các loại quả nhiệt đới tươi được dự báo sẽ tăng 8% hàng năm. Dự báo đến năm 2010, các nước trên thế giới sẽ nhập khẩu 4,3 triệu tấn quả nhiệt đới và 87% (tương đương 3,8 triệu tấn) trong số này là từ các nước phát triển. EU và Mỹ là hai thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 70% nhu cầu nhập khẩu của thế giới. Trong EU, Anh là thị trường tiêu thụ lớn nhất, tiếp theo là Pháp và Đức. Mặc dù là một thị trường thống nhất, người dân tại các nước EU có sở thích và thói quen tiêu dùng khác nhau.

Lượng rau, quả tiêu thụ có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe của người dân. Đây là yếu tố tiềm tàng có thể làm gia tăng nhu cầu hoa quả từ các nước nhiệt đới tại EU. Việc nhập khẩu nông sản vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan và Hà Lan được coi là “cửa ngõ” để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau, quả. Vì vậy, các nước muốn xuất khẩu vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau, quả vào Hà Lan và qua đó vào EU.

Tại EU, Chính sách nông nghiệp chung (CAP) được áp dụng thống nhất trên toàn khối để kiểm soát và trợ giá trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu của CAP bao gồm việc phát triển nền nông nghiệp EU, hỗ trợ cộng đồng nông nghiệp các nước thành viên và kiểm soát giá cả của các sản phẩm nông nghiệp. CAP đã góp phần lớn vào việc tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp EU nhiều năm qua.

EU áp dụng một mức thuế quan chung đối với hàng hóa từ các nước thứ ba nhập khẩu vào thị trường 27 nước thành viên. Đối với các mặt hàng rau và quả, EU tổ chức một thị trường chung (common market organization - CMO) nhằm hoạch định chính sách và thiết lập những thỏa thuận thương mại cho toàn khối để ổn định thị trường. EU đề ra những quy định khắt khe đối với các sản phẩm nhập khẩu vào khối, đặc biệt là quy định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm rau, quả phải tuân thủ nhiều quy định mang tính bắt buộc như luật thực phẩm chung, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, giới hạn dư lượng tối đa, các quy định khác về vệ sinh thực vật và bảo vệ cây trồng…

Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (European Food Safety Authority – EFSA) được thành lập vào năm 2002, có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, các nguyên tắc chung và quy định khác về nguồn gốc của sản phẩm. Luật Thực phẩm chung chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2005. Theo đó, mọi sản phẩm rau, quả được nhập khẩu vào EU đều bắt buộc phải có Giấy Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, tuân thủ về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn miễn nhiễm bệnh dịch và côn trùng, các quy định về độ rắn chắc, độ sáng, mẫu mã, màu sắc, kích thước, quy cách đóng gói, bảo quản…

 

Nguồn:Vinanet