menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết: Những thanh toán quốc tế và các phí ngân hàng liên quan đến thương mại tại Chi Lê

08:25 09/04/2009

Một số phương thức thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp Chi Lê thường áp dụng trong khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu:

- Trả tiền bằng điện (T.T.R): Là khoản chi trả bắt buộc cho những thương vụ đầu tiên giữa hai doanh nghiệp xuất và nhập khẩu, vì hai bên chưa có quan hệ tín nhiệm lẫn nhau nên người nhập khẩu phải trả giá trị hàng hoá trước khi hàng hoá được xếp lên tầu. Trong trường hợp này người xuất khẩu phải chịu trách nhiệm cung cấp gần như toàn bộ các chứng từ cần thiết của hoạt động mua bán và chuyển giao chúng cho người mua để có thể nhận được khoản tiền thanh toán.

- Thanh toán theo phương thức nhờ thu: Chấp nhận hối phiếu để nhận chứng từ nhận hàng (D/A), hay trả tiền hối phiếu để nhận chứng từ nhận hàng (D/P). Cách thanh toán này được sử dụng nhiều nhất so với các phương thức thanh toán khác tại Chi Lê, tuỳ theo quan hệ tín nhiệm giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Các doanh nghiệp Chi Lê cho rằng đây là cách tiết kiệm nhất khoản phí phải trả cho ngân hàng, so với phương thức thanh toán bằng thư tín dụng.

- Thư tín dụng (L/C):

Theo các doanh nghiệp Chi Lê, đây là phương thức thanh toán phức tạp và tốn kém đối với họ trong các phương thức thanh toán của thương mại quốc tế đang được áp dụng tại Chi Lê. Tuy nhiên theo phía ta, đây lại là phương thức thanh toán an toàn nhất cho các nhà xuất khẩu của Việt nam. Đứng về quan điểm của nhà xuất khẩu, phương thức này đảm bảo nhà nhập khẩu sẽ chi trả. Về phía nhà nhập khẩu, đảm bảo rằng các sản phẩm sẽ được xếp lên tàu chuyên chở. Mức phí ngân hàng tại Chi Lê tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp nhập khẩu, số lượng các thương vụ đã từng làm việc với ngân hàng thương mại và số tiền liên quan của các thương vụ nói trên. Quy định trong thị trường tài chính Chi Lê, nếu một doanh nghiệp có doanh thu trên 750.000 USD một năm, thì phí để mở một thư tín dụng sẽ là 0,1% khoản tín dụng hoặc ít nhất là 15 USD. Đối với các đối tượng doanh nghiệp này, phí chuyển tiền liên ngân hàng (SWIFT) sẽ được thu là 50 USD. Để có thể thanh toán bằng phương thức thư tín dụng tại thị trường Chi Lê như là một doanh nghiệp nhập khẩu hay xuất khẩu, đối tượng yêu cầu phải có tài chính lành mạnh và uy tín.

Khi đàm phán với một doanh nghiệp nhập khẩu của Chi Lê, doanh nghiệp Việt nam phải thoả thuận ngay bên nào sẽ phải chi trả các chi phí liên quan, vì các chi phí này ảnh hưởng tới giá thành của giá xuất khẩu. Quy định này cũng phải được thông báo cho các ngân hàng thương mại để quy định trong L/C. Theo các nhà nhập khẩu Chi Lê, họ thường yêu cầu người xuất khẩu thanh toán các khoản phí chuyển tiền, do đó các doanh nghiệp Việt nam cần lưu ý vấn đề này khi đàm phán ký hợp đồng.

Chính sách về hải quan

Một trong những phương thức được sử dụng ngay từ khi bắt đầu quá trình mở cửa thương mại của Chi Lê, chính là việc thống nhất việc áp dụng các mã thuế hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế (HS), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm thương mại. Mã NAB (bộ mã chuẩn hải quan của hiệp định Brussels), để “hải quan nói chung một thứ tiếng” tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh thuế, áp dụng các biện pháp bảo vệ và các tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho từng sản phẩm thương mại.

Chi Lê đã ban hành luật hải quan từ 1953, sửa đổi và đưa vào thực hiện lần lượt các năm 1997 và 2004, gần đây nhất là nghị định số 30, ngày 18 tháng 10 năm 2004. Các chính sách hải quan này với mục đích đơn giản hoá quá trình trao đổi hàng hoá quốc tế, định rõ thời gian, giai đoạn, giới hạn áp dụng, quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia và hoạt động thương mại quốc tế. Một trong những thành quả quan trọng nhất chính là việc xoá bỏ bớt các hàng rào phi thuế quan và đơn giản hoá việc khai báo hải quan cho các sản phẩm với một hệ thống quản lý chung, trừ các trường hợp đặc biệt. Chi Lê áp dụng khai báo hải quan điện tử 100%.

Các trung gian môi giới Hải quan

Chức năng của các trung gian môi giới hải quan, là làm dịch vụ mọi thủ tục về hải quan cho các nhà xuất nhập khẩu với Hải quan. Qua đó, tạo ra được một quá trình hoàn thiện và nhanh chóng hơn. Hải quan có thể thu thập được thông tin đầy đủ qua các môi giới.

Với quan điểm cho rằng tất cả mọi người hoạt động dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, các nhà chức trách có các phương thức để kiểm định độ hiệu quả của các quy định và luật giới hạn các hành vi lách luật, thực hiện sai luật. Các môi giới hải quan đều là thành viên của Hiệp hội môi giới hải quan quốc gia. Số lượng các môi giới này được Chính phủ quy định hàng năm trên cơ sở sự gia tăng hay thiếu hụt trong năm trước về các dịch vụ môi giới hải quan hay do các quyết định thu hồi giấy phép, trong trường hợp này sẽ công bố tổ chức thi tuyển, các cá nhân đạt tiêu chuẩn đều có quyền tham gia dự tuyển. Chi Lê có 300 nhà môi giới Hải quan hoạt động trong lĩnh vực này. Qua đó doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm khi ký hợp đồng dịch vụ với môi giới hải quan, giảm được tệ nạn tiêu cực như trước đây doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp xúc trực tiếp vơi nhân viên Hải quan.

Toà án Hải quan

Nếu một nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu cung cấp thông tin sai lệch hoặc vi phạm luật, trách nhiệm của người môi giới hải quan là phát hiện và tố cáo các hành vi nói trên trực tiếp tới cấp có thẩm quyền tổ chức các toà án hải quan liên quan đến từng hành vi vi phạm là Hải quan quốc gia.

Trong các trường hợp có khó khăn về pháp lý, toà án hải quan cấu thành bởi các thành phần khác nhau như môi giới hải quan, hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu, người tiêu dung. Toà án hải quan sẽ là những người phán xét rằng hải quan hay các bị cáo có liên quan đúng.

Chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT)

a) Mức thuế VAT

Chi Lê áp dụng mức thuế VAT 19% đối với tất cả các mặt hàng bán buôn và bán lẻ trong toàn quốc. Đây là một trong những chính sách của Chính phủ để thu ngân sách bù lại do biểu thuế nhập khẩu thấp. Việt nam có thể tham khảo trong việc tăng thuế suất VAT (hiện nay là 10%), và giảm thuế suất thuế nhập khẩu, để đảm bảo các cam kết của ta khi gia nhập WTO ngày 7/11/2006 vừa qua, hoặc trong việc đàm phán ký kết FTA với Chi Lê.

b) Quản lý thuế VAT

Chi Lê dùng một hệ thống quản lý duy nhất vừa là mã số thuế, vừa là số chứng minh nhân dân, gọi là “Rol Unico Tributario” viết tắt là R.U.T (số đóng góp thuế duy nhất). Đối với các cá nhân, mã số R.U.T chỉ rõ quốc tịch và dùng làm số chứng minh nhân dân và để làm mã số thuế. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mã số R.U.T là cơ sở để xác định ngành nghề kinh doanh, hoạt động, và cũng có tác dụng như là mã số thuế duy nhất của các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp.

Như vậy, việc sử dụng một mã số R.U.T, làm đơn giản hoá hệ thống quản lý của cả 3 ngành như của Việt nam: Công an quản lý số chứng minh nhân dân, Cục thuế quản lý mã số thuế và Hải quan quản lý mã số hải quan.

(TTNN)

Nguồn:Vinanet