menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần chủ động, tăng cường xúc tiến thương mại tại châu Phi

16:12 13/08/2010

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu hơn 570 triệu USD sang thị trường Châu Phi, xấp xỉ mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Châu Phi đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta bị giảm sút mạnh trong Quý I và giá cả thị trường thế giới xuống thấp trong Quý II.
 
 

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu hơn 570 triệu USD sang thị trường Châu Phi, xấp xỉ mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Châu Phi đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta bị giảm sút mạnh trong Quý I và giá cả thị trường thế giới xuống thấp trong Quý II.

Đoàn ngoại giao các nước châu Phi tại Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày châu Phi năm 2010.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trước những biến động của thị trường, kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm nhẹ, đạt hơn 670 triệu đô la Mỹ và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 100 triệu đô la Mỹ, tương đương mới mức cùng kỳ năm ngoái.

Xét riêng về xuất khẩu, đã có sự biến động mạnh về kim ngạch sang thị trường này. Trong quý I, xuất khẩu đạt 184 triệu đô la Mỹ, do gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta bị sụt giảm nghiêm trọng. Sang quý 2, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nhu cầu nhập khẩu gạo cũng như các mặt hàng gia vị, thực phẩm… phục vụ cho tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo ở Bắc Phi và Giải vô địch bóng đá thế giới tại Nam Phi gia tăng, xuất khẩu sang Châu Phi đạt 371 triệu đô la Mỹ và gấp đôi so với Quý I.

Nhìn chung, các thị trường xuất khẩu chính của ta tại Châu Phi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý, một số thị trường có tốc độ tăng trưởng cao là: Ni-giê-ri-a đạt 167%, Gha-na đạt trên 88% và Ai Cập đạt 24%.

            Xét về trị giá tuyệt đối, Nam Phi vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi với kim ngạch 207 triệu đô la Mỹ, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ta sang toàn Châu lục, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi trong 6 tháng đầu năm giảm 22%, do xuất khẩu các mặt hàng kim loại quí, đá quí giảm mạnh. Nếu không tính mặt hàng đá quý và kim loại quý, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Nam Phi vẫn tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ hai là thị trường Ai Cập, kim ngạch xuất khẩu đạt 82 triệu đô la Mỹ, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu vào toàn khu vực, với thuỷ sản vẫn tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và đạt kim ngạch trên 25,9 triệu đô la Mỹ. Ni-giê-ri-a đã vươn lên vị trị thứ 3 trong số 10 thị trường xuất khẩu chủ lực của ta tai Châu Phi với kim ngạch đạt 72 triệu đô la Mỹ, tăng 167%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà giảm mạnh và chỉ đạt 41 triệu đô la Mỹ, do lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này giảm.

Tính theo cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, gạo vẫn là mặt hàng chủ lực mặc dù trong quý 1 có sự sụt giảm mạnh. Khối lượng gạo xuất khẩu chỉ phục hồi mạnh vào quý 2. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống khác vào Châu Phi gồm có giày dép, hạt tiêu, dệt may…có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các sản phẩm điện-điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe máy, thuốc lá điếu, hàng rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mỳ ăn liền, sữa và sản phẩm sữa, xe đạp… cũng có xu hướng gia tăng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu của Việt Nam từ Châu Phi tương đương với mức cùng kỳ năm ngoái và đạt gần 100 triệu đô la Mỹ. Trong số này, 80% được nhập khẩu từ các nước Nam Phi và Bờ Biển Ngà với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất, sắt thép, kim loại màu và gỗ. 

Doanh nghiệp cần chủ động bám sát thị trường, tăng cường XTTM

Theo dự báo của IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ khá tốt trong 6 tháng cuối năm và cả năm có thể đạt 4,75%. Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ nhiều nước Châu Phi đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng như: An-giê-ri; Kenya, Tanzania… Đây chính là một trong những yếu tố thuận lợi cơ bản giúp duy trì lượng hàng nhập khẩu của Châu lục trong 6 tháng cuối năm.

Hàng hoá Việt Nam, tuy chiếm một tỉ trọng nhỏ khoảng 0,18% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả châu lục, bước đầu đã dành được sự tín nhiệm và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Vì vậy, đây là điều kiện thuận lợi giúp củng cố và gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của ta tại thị trường này trong thời gian tới. Với đà tăng trưởng hiện tại, với những diễn biến thuận lợi trên thị trường, xuất khẩu sang Châu Phi trong cả năm 2010 có thể đạt mức kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố bất lợi xuất hiện, gây áp lực lên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta và ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Có thể kể tới như: Mặc dù các nước Châu Phi đã gia tăng lượng gạo nhập khẩu trở lại, các nhà xuất khẩu gạo nước ta sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi Thái Lan tiến hành bán gạo dự trữ sau khi nước này tích trữ từ đầu năm do giá giảm khiến cho nguồn cung sẽ tăng cao dẫn tới khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Châu Phi sẽ còn khó khăn hơn; Sự tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới của Myanmar sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh trở lên càng gay gắt; Nhu cầu nhập khẩu gia vị, thực phẩm của Châu Phi sẽ chậm lại, do vừa qua các nước Bắc Phi như Ai Cập, Ma-rốc… đã nhập khẩu một lượng lớn phục vụ cho tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo ở khu vực Bắc Phi; Sản phẩm săm lốp sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi Ai Cập vừa đưa ra các tiêu chuẩn qui định mới về hàng nhập khẩu khiến cho số lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của ta có thể bị giảm trong 6 tháng tới; Nam Phi là thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, dự báo kim ngạch nhập khẩu nói chung trong những tháng cuối năm sẽ không tăng cao do Giải vô địch bóng đã thế giới đã kết thúc vào tháng 6 vừa qua; Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng cung ứng hàng hoá cho thị trường Châu Phi.

Tuy nhiên, do những bất cập trong thanh toán quốc tế ở thị trường này (phương thức thanh toán của nhiều nước Châu Phi còn lạc hậu; đối tác thường thanh toán chậm, có khi bán hàng cả năm sau mới thu được vốn...) nên nhiều doanh nghiệp lo ngại; Bên cạnh đó, hiện tượng lừa đảo qua mạng đặc biệt gia tăng gần đây cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp dè dặt khi kinh doanh tại thị trường này. 

Để khắc phục những khó khăn và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20% kim ngạch xuất khẩu theo như kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương, nhiệm vụ trong những tháng còn lại sẽ hết sức nặng nề đòi hỏi có sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Về phần mình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện tích cực các các giải pháp đề ra trong Chương trình hành động nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Châu Phi của Chính phủ để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và sớm hoàn tất, triển khai Đề án “Sử dụng hệ thống doanh nghiệp đầu mối chủ lực đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Châu Phi” để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chủ động bám sát thị trường, tích cực xâm nhập thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hoá phương thức bán hàng, không nên quá lo ngại trước những hiện tượng lừa đảo gần đây và cần chủ động liên hệ trực tiếp với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) hoặc các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi để được trợ giúp xác minh đối tác.

 
Theo: thuongvuvietnam.com.vn

Nguồn:Vinanet