menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp nên thận trọng với lừa đảo thương mại quốc tế

16:27 10/04/2009
Nắm bắt được tâm lý doanh nghiệp (DN) đang lâm vào tình trạng khó khăn, cần vốn để đầu tư sản xuất, cần XK hàng hoá, các đối tượng lừa đảo liên quan xuất hiện ngày càng nhiều với thủ phạm tinh vi.

Trong lĩnh vực XNK, Luật Sư Phạm Văn Chắt – Trung Tâm Trọng tài Quốc tết Việt Nam (VIAC) đã đưa ra một số hành vi lừa đảo phổ biến nhất trong những năm gần đây.

Thứ nhất là dạng lừa đảo đánh vào lòng tham của DN nhưng thiếu thông tin về thị trường, giá cả, pháp luật, thông qua việc chào bán hàng. Một điển hình là trong khi giá phân bón Ucraina là trên 235 USD/tấn có không ít DN vẫn nhận được giá chào 110 USD/tấn, từ những công ty ở Mỹ ới phương thức thanh toán hết sức ngặt nghèo. Các DN hám lời đã mua nhưng khi trả tiền xong, chưa chắc đã có phân bón và khi tìm người bán thì không thấy nữa. Thông thường, đối với dạng lừa đảo này, công ty nước ngoài sẽ cấu hết với các hãng tàu “ma” để lập chứng từ giao hàng giả và thu tiền. Tương tự như thế, nhiều DN Việt Nam còn nhận được những thư chào bán đường, vi măng, sắt thép với giá cực kỳ rẻ.

Một dạng lừa đảo tiếp theo là chào bán hàng tốt nhưng lại đánh tráo hàng. Trường hợp này đã từng xảy ra với DN Việt Nam khi mua thức ăn gia súc, khách Malaysia chào mẫu 90% protein nhưng chỉ giao trấu, cám, trộn với đất cát. Có trường hợp khách Ấn Độ chào bán tôm đông lạnh nhưng khi đưa container về Việt Nam mở ra bên trong chứa toàn những khay nước. Đặc biệt là các thiết bị điện tử, có không ít công ty chào bán hàng của nước sản xuất có tiếng nhưng lợi dụng sở hở trong hợp đồng để giao hàng sản xuất của nước khác có chất lượng thấp. Một dạng lừa đảo nữa là khi mua hàng Việt Nam, biết DN chưa quen và sợ các nguyên tắc chặt chẽ của các quy định thanh toán bằng L/C, DN nước ngoài thường khuyên, rủ rê DN, HTX Việt Nam thanh toán bằng chuyển tiền vì phương thức này rất đơn giản trong thủ tục thanh toán. Theo đó, người mua nhận hàng xong mới trả tiền nên không ít DN bị ép giá sau khi đã giao hàng và DN buộc phải chấp nhận giảm giá để lấy được tiền. Ngoài ra, còn có hàng loạt các dạng lừa đảo khác như sử dụng giao dịch, ký hợp đồng bằng thư điện tử qua Yahoo mail, chat, mạng và sau khi lấy được tiền hoặc hàng thì không giao dịch qua hộp email này nữa. Các dạng khác như soạn thảo hợp đồng rất dài, có khi đến 20trang nhưng khi đọc kỹ thì toàn là ràng buộc phía DN Việt Nam. Dạng này thường chào bán rất rẻ và chào mua rất đắt nếu DN không hiểu hoặc không đọc kỹ, đặt bút ký xem như chui đầu vào thòng lọng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn khai thác sự non kém về tầm hiểu biết pháp luật quốc tế của DN Việt Nam, sử dụng nhiều trung gian trong đàm phán, giao kết hợp đồng cũng là những dạng lừa đảo được nhiều DN nước ngoài khai thác...

Dạng lừa đảo tiếp theo liên quan đến vốn là những nguồn vốn “rỉ tai” chỉ có ít người biết đến. Vụ trưởng  Vụ chiến lược Phát triển  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay có hàng nghìn nhóm đi lừa đảo DN dưới hình thức cho vay vốn từ nhiều nguồn vốn như nguồn vốn từ Nga, từ Bộ Tài chính, vốn của tổ chức này, tổ chức kia... Các nhóm này thường cho rằng chỉ một vài tổ chức được tin cậy cho biết để tăng thêm phần ly kỳ, hấp dẫn. Đã không ít DN do quá bức thiết trong việc cần vốn đã “sập bẫy” họ vì tin là nguồn vốn này là có thật. Bọn chúng lại thuê các “đối tác” ảo để củng cố lòng tin đối vớiDN và các tổ chức đã sốt sắng bỏ ra chi phí để đưa đón “ân nhân” ở sân bay, lo tiền khách sạn, ăn chơi, đi lại, tiếp khách... Đó là một dạng lừa đảo 100%, vì vậy các DN và tổ chức đừng tin và đừng mất thời gian để tiếp những người này.

Một lý do chủ yếu làm cho hoạt động lừa đảo gia tăng trong khủng hoảng tài chính là do một số nhà đầu tư và tổ chức quá mạo hiểm, đầu tư vào các sản phẩm mang tính rủi ro cao và hệ số nợ của nhiều tổ chức, cá nhân rất cao.

Trước tình trạng trên, để đề phòng, ngăn chặn những hành vi lừa đảo, DN cần nâng cao hiểu biết về pháp luật và trình độ ngoại ngữ. Điều này cần được chú trọng nhất nếu DN muốn tham gia vào tiến trình thương mại trên phạm vi quốc tế bởi hiện nay trong thương mại quốc tế không chỉ có luật quốc gia mà còn có nhiều thiết chế pháp lý khác có chức năng điều chỉnh các quan hệ đó.

DN nắm bắt thông tin về thị trường và đối tác, không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà quên đề phòng bị lừa đảo, nghiên cứu và vận dụng các phương thức thanh toán quốc tế và lãnh đạo công ty phải có năng lực và kiến thức về pháp luật. Muốn vậy, DN cần phải tuyển chọn người có năng lực, phân công đúng khả năng, lãnh đạo phải có trợ lý, tham mưu giỏi, nhất là trợ lý pháp lý. Đồng thời, DN tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật trong tổ chức và hoạt động, không vận dụng cơ hội gian dối để làm ăn. Khi ký hợp đồng phải cẩn trọng, đừng bỏ qua các bước thẩm định đối tác cũng như yêu cầu của pháp luật.

Nguồn:Vinanet