menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp Tây Ban Nha mở rộng tiếp cận hợp tác với Việt Nam

08:49 11/11/2010
Tiếp nối thành công của Diễn đàn đầu tư và hợp tác kinh doanh Việt Nam - Tây Ban Nha 2008, Phòng Kinh tế và thương mại Đại sứ quán Tây Ban Nha tại TP.HCM sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức Diễn đàn đầu tư và hợp tác kinh doanh Việt Nam - Tây Ban Nha 2010 vào ngày 23-24/11/2010 sắp tới.

 Tiếp nối thành công của Diễn đàn đầu tư và hợp tác kinh doanh Việt Nam - Tây Ban Nha 2008, Phòng Kinh tế và thương mại Đại sứ quán Tây Ban Nha tại TP.HCM sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức Diễn đàn đầu tư và hợp tác kinh doanh Việt Nam - Tây Ban Nha 2010 vào ngày 23-24/11/2010 sắp tới.

Diễn đàn nhằm đem đến cho DN hai nước cơ hội có đầu tư, tìm đối tác mới trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và công nghiệp, thực hiện xúc tiến thương mại tạo nền tảng để các công ty hai nước có thể bắt đầu hợp tác liên doanh, đầu tư vào DN mới, tiến đến các thoả thuận về chuyển giao công nghệ, nhượng quyền và sản xuất thuê làm bên ngoài…

Trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Tây Ban Nha đã tăng khá nhanh, nếu như năm 2001 con số này đạt 250 triệu USD thì năm 2009 con số này đạt đến 1,434 tỷ USD. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2010 kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt khoảng 650 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2009. Tại thị trường Tây Ban Nha, hiện cà phê xuất khẩu từ Việt Nam chiếm 45%, may mặc từ 12-15% và thủy sản là 30%. Các nhà nhập khẩu Tây Ban Nha quan tâm đến việc giao hàng đúng hẹn và kiểm soát chất lượng. Mặc dù mức chi tiêu của người tiêu dùng Tây Ban Nha đang giảm nhưng những sản phẩm của Việt Nam tại thị trường này vẫn có sức hấp dẫn với giá cả cạnh tranh. Ngược lại, các sản phẩm Tây Ban Nha xuất khẩu vào Việt Nam khá đa dạng, từ hóa chất, dược đến thép, máy móc điện tử, máy công cụ, da thuộc và gạch xây dựng.

Tính đến thời điểm hiện nay các DN Tây Ban Nha đã đầu tư khoảng 25 triệu USD vào 12 dự án tại Việt Nam. Đây được xem là con số còn khiêm tốn song đằng sau đó, Tây Ban Nha đã đầu tư vào Việt Nam thông qua quá trình thuê làm bên ngoài (outsource) và chuyển giao công nghệ. Một phần đầu tư quan trọng đã được đưa vào lĩnh vực vật liệu xây dựng và thiết bị gia dụng. Một lượng lớn các công ty về kỹ thuật và kiến trúc Tây Ban Nha đang được hình thành tại Việt Nam. Ông Alberto Cerdán- Tham tán Thương mại và kinh tế của Tây Ban Nha tại Việt Nam cho biết, các DN Tây Ban Nha đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng khó khăn hiện nay của họ là tìm đủ nguồn vốn cho các dự án loại này trong bối cảnh các nguồn vốn từ phía Việt Nam, vốn hỗ trợ phát triển (ODA) còn hạn chế và hợp tác đầu tư theo hình thức giữa nhà nước và tư nhân (PPP) cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Các công ty xây dựng lớn của Tây Ban Nha đang có kế hoạch đến Việt Nam nhưng họ cần có thời gian để nghiên cứu thị trường. Đặc biệt Tây Ban Nha đang tham gia tài trợ dự án xây dựng tuyến metro thứ 5 tại TP.HCM và công ty Tây Ban Nha là Idom Ingenieria Consultoria S.A cùng các đối tác trong nước sắp thực hiện xong nghiên cứu khả thi cho dự án này. Đây là dự án lớn tại Việt Nam, do Chính phủ Tây Ban Nha cam kết tài trợ vốn ODA trị giá 500 triệu euro. Đặc biệt ngoài khoản vay 500 triệu euro đã được Chính phủ Tây Ban Nha cam kết, đầu tháng 11/2010 vừa qua Ngân hàng BBVT (Tây Ban Nha) đã cho vay bổ sung thêm 100 triệu euro để thực hiện dự án. Công ty Idom của Tây Ban Nha đang thực hiện nghiên cứu khả thi và tổ hợp nhà thầu gồm sáu công ty Tây Ban Nha đã ký kết thực hiện dự án.

Ông Alberto Cerdán cho biết thêm, 24 DN Tây Ban Nha đến Diễn đàn đầu tư và hợp tác kinh doanh Việt Nam - Tây Ban Nha 2010 tại TP.HCM sắp tới là các DN hoạt động trong các lĩnh vực như tư vấn kiến trúc và đô thị, nông nghiệp, phụ tùng ôtô, hệ thống điện tử, năng lượng và xây dựng, luyện kim, giày dép và phụ liệu, dịch vụ công nghệ, xử lý nước... Tất cả các DN này đang muốn tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam bằng cách mở công ty hay nhà máy sản xuất tại thị trường này. Tất cả họ đã sẵn sàng để đem đến các nguồn lực về tài chính, thương hiệu, công nghệ để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và vươn rộng ra ở các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN. Việc Chính phủ Tây Ban Nha và các DN chọn Việt Nam là cơ sở nền tảng tại Đông Nam Á nhằm hợp tác, liên minh chiến lược tiếp cận các thị trường trong khu vực và trên thế giới, muốn Việt Nam trở thành đối tác lớn của Tây Ban Nha để sản xuất các mặt hàng truyền thống như giày, may mặc để xuất khẩu sang châu Âu và châu Á. Ngoài ra, trong ngành dịch vụ, hiện các công ty Tây Ban Nha muốn hợp tác với các công ty xây dựng của Việt Nam để cùng thực hiện các dự án ở Lào, Campuchia và Thái Lan - ông Alberto Cerdán cho biết thêm.

 
Nguồn:www.ttnn.com.vn

Nguồn:Vinanet