menu search
Đóng menu
Đóng

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

10:16 02/04/2015
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 tổ chức chiều 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Tăng trưởng GDP quý I/2015 ước đạt 6,03% là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây.

“Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng GDP quý I là nhờ sự nổi lên của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, với mức tăng 8,25% (gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ). CPI cũng ổn định dù một số mặt hàng có điều chỉnh tăng nhưng không làm biến động chung. Mặc dù phải nhập siêu khoảng 1,8 tỷ USD, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng cũng chưa đáng lo ngại bởi 92% là nhập thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất”, Bộ trưởng nói.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát (CPI) tháng 3 tăng 0,15%, 3 tháng giảm 0,1%. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,25% (cùng kỳ năm trước giảm 0,57%).

Mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 30,4% GDP (cùng kỳ đạt 28,4%), tăng 9,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7%; vốn ODA giải ngân tăng 10,7%.

Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, trong quý I nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, đợt nắng hạn ở miền Trung, Tây Nguyên ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu nông lâm thủy sản có sự sụt giảm đáng kể.

“Xuất khẩu gạo, cà phê, cao su sụt giảm trên dưới 30% tùy mặt hàng. Tính chung trong khối nông lâm thủy sản xuất khẩu, sự suy giảm này làm mất đi khoảng 500 triệu USD. Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp khai khoáng cũng có sự suy giảm đáng kể hơn 1 tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo Thứ trưởng, qua phân tích có một số nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm trên là do áp lực của cân đối cung cầu trên thị trường thế giới trong năm 2015. Cụ thể gạo, cà phê nguồn cung quý 1 thế giới có gia tăng dẫn tới áp lực cho mặt hàng Việt Nam phải cạnh tranh với các nước khác. Mặt khác, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam là Trung Quốc cũng có sự thay đổi trong chính sách vĩ mô, ví như cấp hạn ngạch cho gạo rất nhỏ giọt, chậm dẫn tới các hoạt động thương mại bị suy giảm.
Cùng với đó, các thị trường truyền thống ở Đông Nam Á như Philipin, Indonesia, Malaysia cũng không có ký hợp đồng nào lớn trong quý 1, khác với những năm trước. Vì vậy lượng gạo xuất khẩu giảm lớn. Một số mặt hàng khác như thủy sản cũng vấp trở ngại về chống bán phá giá, một số vấn đề liên quan tới thay đổi tỷ giá cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.

“Tăng trưởng xuất khẩu quý I chỉ đạt 6,9%, thấp hơn so với kế hoạch đăng ký với Quốc hội. Tuy nhiên, tình hình này cũng không bất ngờ bởi dự báo tiếp tục khó khăn trong công tác thị trường. Ngoài những nguyên nhân về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước thì tăng trưởng xuất khẩu cũng đạt tới ngưỡng cao trong các năm 2013 và 2014, nên cũng khó đạt ngưỡng cao nữanhững năm tiếp theo”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.

Theo Thứ trưởng, thời gian tới cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển bền vững thông qua mở rộng thị trường, tìm các thị trường mới. Cuối năm 2015, Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, cùng với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được triển khai tích cực cũng sẽ mở rộng cơ hội đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng những văn bản hướng dẫn, thể chế hóa các nội dung chính sách đưa vào phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu , nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp là nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2015. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục thông quan, các thủ tục khác liên quan tới xuất nhập khẩu. Một hoạt động quan trọng khác là công tác xúc tiến thương mại hướng vào các thị trường trọng tâm, trọng điểm, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tạo cơ chế thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp thâm nhập thị trường; các cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài tham gia tích cực hơn vào việc giải quyết những vướng mắc, rào cản thương mại cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Nguồn: TTXVN
 

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam