menu search
Đóng menu
Đóng

Hội nghị bàn giải pháp thực hiện kế hoạch xuất khẩu hàng dệt may 2008

15:50 23/07/2008
Nếu không đẩy mạnh sản xuất thì không tháo gỡ được khó khăn về xuất khẩu hàng dệt may- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu tại hội nghị bàn giải pháp thực hiện kế hoạch xuất khẩu hàng dệt may 2008 do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam tổ chức chiều 21/7 tại Hà Nội.
Như vậy sau hai hội nghị dệt may được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước xung quanh việc điều hành có hiệu quả việc sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may trong thời gian tới, nhằm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5,3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng dệt may chiếm khoảng 13-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đứng thứ hai sau dầu thô. Việt Nam vẫn duy trì trong nhóm 10 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Như nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng khác, doanh nghiệp dệt may cũng gặp những khó khăn do tác động của những biến động không thuận lợi trên thị trường trong nước và quốc tế. Điển hình như giá nguyên liệu xơ, sợi, bông trên thị trường thế giới tăng từ 20-25%, từ đó dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, trong khi giá xuất khẩu tăng không đáng kể, thậm chí còn giảm theo xu hướng giảm giá tự nhiên thời kỳ hậu hạn ngạch.

Cũng giống như hội nghị dệt may ở phía Nam, tại hội nghị này, các doanh nghiệp dệt may phía Bắc đều tập trung phản ánh các vướng mắc liên quan đến vốn vay ngân hàng, trong thủ tục hoàn thuế nhập khẩu, liên kết các doanh nghiệp lớn, đình công trái quy định, vấn đề hạ tầng, cảng biển, giao thông, thu thuế vải tiết kiệm.... đặc biệt là tình trạng cắt điện liên tục không báo trước gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Giám đốc Công ty cổ phần May xuất khẩu Thái Nguyên kiến nghị Chính phủ phải đưa nhóm ngành hàng dệt may vào nhóm ngành được ưu tiên vay vốn, trong đó có việc ưu tiên vay vốn làm nhà ở cho công nhân để giữ chân người lao động vì đây là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai sau dầu thô và là ngành sử dụng nhiều lao động.

Đại diện Công ty cổ phần May Hưng Yên cũng cho rằng thông qua kênh thương vụ, nhất là tại các thị trường lớn, Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt May Việt Nam nên thường xuyên công bố đơn giá tại các thị trường để các doanh nghiệp dệt may có cơ sở đàm phán với khách hàng. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa Hiệp hội Dệt May các nước có nền sản xuất may mặc phát triển nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, đối phó với việc áp đặt thuế chống bán phá giá.

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết: Dệt may là một trong bốn mặt hàng Bộ Công Thương lo lắng nhất về thực hiện xuất khẩu năm 2008, sau hàng đồ gỗ, dây cáp điện, linh kiện điện tử. Do vậy bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, ngành cần chú trọng đầu tư tăng năng lực sản xuất trong những tháng cuối năm và năm 2009; tiếp tục tiết giảm chi phí khi giá xăng dầu tăng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; đồng thời chuyển dịch sản xuất gia công về những vùng thị tứ có nguồn lao động dồi dào kết hợp với đào tạo lao động để bù đắp việc thiếu hụt lao động. Doanh nghiệp không chỉ giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc cải cách thủ tục hành chính, mà còn phải đề xuất những giải pháp để tháo gỡ khi gặp vướng mắc... Đối với ngành điện phải tìm mọi cách ưu tiên điện cho sản xuất. "Có như vậy, mục tiêu hoàn thành kim ngạch xuất khẩu cả năm là 9,5 tỷ USD hàng dệt may mới trở thành hiện thực", Thứ trưởng Xuân Khu nói.

Nguồn:Vinanet