menu search
Đóng menu
Đóng

Hội thảo về Cơ hội và thực tiễn phát triển thương mại Pháp – Việt

15:34 26/05/2011

Sáng 24/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cùng Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo đầu tiền tại Số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội nhằm giới thiệu về những tiềm năng của thị trường pháp.
      
      

Sáng 24/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cùng Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo đầu tiền tại Số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội nhằm giới thiệu về những tiềm năng của thị trường Pháp.

Mục đích của sự kiện này nhằm tăng cường trao đổi kinh tế giữa hai nước Pháp và Việt Nam bằng cách thông tin đến các doanh nghiệp Việt Nam một cách tốt nhất. Hội thảo này là một trong những chương trình hành động được dẫn dắt bởi Phòng Thương Mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam cho các doanh nghiệp Pháp.

Trong cuộc hội thảo, Ông Claude Cuvelier, Phó chủ tịch CCIFV nhận định, mặc dù quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Pháp có mức tăng trưởng ổn định song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên.

Còn theo ông Olivier Monange, Văn phòng luật DS AVOCATS cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý  3 vấn đề sau:

Thứ nhất, khi đưa sản phẩm hàng hóa vào thị trường Pháp cần tìm hiểu kỹ về thủ tục hải quan và chế độ thuế. Về chế độ thuế, doanh nghiệp phải xác định xem hàng hóa của mình nằm trong danh mục hải quan nào, cần hiểu rõ và tuân thủ những quy định về thông tin bắt buộc, xác định xuất xứ của hàng hóa. Doanh nghiệp có thể thông báo cho hải quan rồi gửi hàng hóa vào kho ngoại quan hoặc cơ sở kho bãi của mình rồi mới làm thủ tục thông quan.

Thứ hai, doanh nghiệp phải xác định xem kênh tiêu thụ hàng hóa của mình tại Pháp sẽ được tiến hành thông qua các đại lý bán hàng hay ký hợp đồng phân phối với một nhà phân phối chuyên nghiệp. Tiếp đến là điều khoản giải quyết tranh chấp nên ghi rõ trong hợp đồng sẽ lựa chọn tòa án nào, Trung tâm trọng tài quốc tế nào và chọn luật của nước nào để xử lý vụ việc.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam đã hoặc đang có ý định xuất khẩu nhiều hàng hóa vào Pháp và châu Âu thì nên thành lập cơ sở tại Pháp thông qua hình thức mở văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoặc thiết lập một liên doanh với đối tác Pháp.

Ông Nguyễn Khôi, đại diện của Geodis Wilson tại Hà Nội cho biết vấn đề giao nhận vận tải đối với việc xuất, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Pháp hiện khá thuận lợi. Nếu vận chuyển theo đường biển, thời gian vận chuyển khoảng 25 – 30 ngày, cước phí là 1.200 USD/container 20Feet và 2.400 USD/container 40Feet từ Việt Nam đi Pháp.

Thêm vào đó, một số hãng hàng không lớn đang có kế hoạch vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Pháp, bổ sung thêm cho một hãng duy nhất hiện nay là Vietnam Airlines với mức cước vận chuyển 4 USD/kg.

Tổng giám đốc CCIFV, ông Guillaume Crouzet cho rằng, muốn đưa hàng hóa vào thị trường Pháp thành công, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm hiểu văn hóa kinh doanh tại Pháp. CCIFV có thể thẩm định, đánh giá tiềm năng xuất khẩu từng loại mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Pháp theo yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu thấy có tiềm năng, CCIFV sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam đi thực tế và nghiên cứu về nhu cầu thị trường và tìm hiểu về doanh nghiệp đối tác tại Pháp.

Tổng kim ngạch mậu dịch năm 2005 giữa hai nước  đạt hơn 1,1 tỷ USD đã tăng lên hơn 2 tỉ USD năm 2010 trong đó xuất khẩu của Pháp vào Việt Nam đạt gần 969 triệu USD chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, dược phẩm; trong khi đó Việt Nam xuất khẩu vào khoảng hơn 1 tỉ USD, chủ yếu là nông sản, hải sản, sản phẩm may mặc- giầy dép, thủ công mỹ nghệ.
 
Vinanet.com.vn