menu search
Đóng menu
Đóng

Nhu cầu, hành vi và xu hướng tiêu dùng ở EU

16:57 16/06/2009

Khi xuất khẩu sang thị trường EU, nếu hiểu rõ nhu cầu, hành vi và xu hướng tiêu dùng của người dân EU thì doanh nghiệp sẽ giảm thiểu chi phí tiếp cận thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cũng như khả năng thành công trên thị trường.

Liên minh châu Âu (EU) hiện nay là khối thương mại lớn nhất trên toàn thế giới, chiếm 45% tổng kim ngạch nhập khẩu và 46% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. EU được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng hàng đầu của Việt Nam, với gần nửa tỷ dân. 

 Theo số liệu công bố tại Sách xanh của EU, năm 2008, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ khoảng 12,2 tỷ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam, vượt cả thị trường Mỹ Quan hệ giữa EU - Việt Nam trên quy mô lớn có lợi cho Việt Nam với mức thặng dư thương mại Việt Nam được hưởng khoảng 5,41 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang EU các mặt hàng giầy dép, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cà phê và nhập khẩu chủ yếu máy móc, thuốc, đồ nhựa...

 Mặc dù đã có quan hệ thương mại lâu năm với EU, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thâm nhập và phát triển thị trường này. Một trong những lý do phải kể đến là các doanh nghiệp của ta chưa nhạy bén trong việc nắm bắt kỹ về nhu cầu, hành vi và xu hướng tiêu dùng của người dân EU.  

 Tại buổi hội thảo "Tiếp cận thị trường châu Âu" do Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI Hà Lan) thực hiện ngày 12/6 vừa qua tại Hà Nội, ông Reg Leenes, chuyên gia tư vấn về quản lý và tiếp thị kinh doanh quốc tế của CBI cho biết, khi thâm nhập thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt chú ý tới nhu cầu, hành vi và xu hướng tiêu dùng của người dân ở đây thì mới xuất khẩu thành công.

 Theo ông Reg Leenes, không phải nhà nhập khẩu, nhà bán buôn hay bán lẻ mà chính người tiêu dùng EU sẽ quyết định việc tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2020, dân số ở Tây Âu sẽ già đi đáng kể với 45% số người ở độ tuổi từ 50 trở lên. Nhóm người tiêu dùng này có xu hướng chọn mua các sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn và có lợi cho sức khỏe. Năm 2008, do có những xì-căng-đan về an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng Tây Âu nói riêng và EU nói chung rất quan ngại. Họ yêu cầu thực phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về mức độ an toàn. Họ không ăn nhiều với một món nữa mà ăn nhiều món khác nhau. Họ chấp nhận sản phẩm giá cao miễn là chất lượng đi đôi với giá.

 Phụ nữ EU tham gia lao động nhiều. Họ không có nhiều thời gian dành cho việc mua sắm và nội trợ. Do vậy, họ có thói quen mua các sản phẩm tiện lợi, ăn liền. Như vậy, thị trường các sản phẩm tiện lợi, ăn liền sẽ có xu hướng ngày càng phát triển.

 Đối với hàng may mặc và giầy dép, khi có tuổi, người tiêu dùng ở Tây Âu không còn nhu cầu cao với áo sơ mi kín cổ mà chuyển sang ăn mặc các bộ đồ thoải mái, đi giầy thể thao. Như vậy xu hướng này sẽ dẫn đến sự chuyển dịch lớn về nhu cầu và hành vi tiêu dùng: chuyển từ kiểu ăn mặc trang trọng, cổ điển sang phong cách tự nhiên, thoải mái. Trong khi đó, tại một số nước Đông Âu, do có dân số trẻ nên nhóm người tiêu dùng này lại thích ăn mặc theo phong cách trang trọng nên thị trường cho các sản phẩm phục vụ phong cách này ở Đông Âu sẽ có xu hướng phát triển.

 Trong 10 năm qua, người tiêu dùng EU thường chờ 5-6 tháng mới mua sản phẩm may mặc mới vào hai vụ đông, hè. Tuy nhiên, hiện nay họ có xu hướng muốn mua sản phẩm mới nhanh hơn. Như vậy, thay cho hai mùa thời trang trước đây thì nay ở EU có tới 5-6 mùa thời trang với chu kỳ thu hẹp lại, gồm trước vụ, chính vụ và sau vụ cho mỗi vụ đông, hè. Khi chỉ có hai mùa thời trang, các nhà nhập khẩu EU thường đặt mua (chẳng hạn) 10.000 sản phẩm cho mỗi lô hàng nhưng nay họ chỉ đặt mua 3.000 sản phẩm mỗi lần. Điều này tạo bất lợi cho các nhà cung cấp Trung Quốc vì thường tập trung vào các phân đoạn thị trường tập trung với các đơn hàng số lượng lớn, giá rẻ. Các nhà nhập khẩu EU hiện nay đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế Trung Quốc. Xu hướng này tạo cơ hội cho những nhà sản xuất có khả năng đáp ứng linh hoạt yêu cầu của thị trường, có thể cung cấp hàng nhanh chóng với số lượng nhỏ. Theo đó, các nhà sản xuất phải tìm hiểu những dự báo về thời trang ở EU, gồm kiểu dáng, chất liệu, thiết kế 1 năm trước khi tung ra sản phẩm và chuẩn bị mua nguyên liệu đầu vào để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà nhập khẩu EU.

 Có một điểm đáng chú ý về dân số ở EU là số hộ gia đình chỉ có 1-2 người đang có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, số hộ có 2 người cùng đi làm, cùng có thu nhập cao nhưng không có trẻ con cũng đang tăng lên. Những hộ gia đình này có nhu cầu tiêu thụ cao đối với các sản phẩm chất lượng tốt. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cần đánh giá kỹ nhu cầu và khả năng tiêu dùng của họ để có chiến lược phát triển sản phẩm và tiếp cận thị trường ở phân đoạn này. Có một ví dụ khá thú vị về việc phát triển sản phẩm thành công cho phân đoạn thị trường này, đó là trước đây, ở EU người ta thường bán các loại quả dưa chuột có kích cỡ khá lớn, phục vụ bữa ăn của một gia đình đông người, nhưng gần đây, khi các loại dưa chuột kích cỡ nhỏ chỉ đủ cho một người ăn được đưa ra thị trường thì thấy sức tiêu thụ của thị trường đối với sản phẩm dưa chuột đã có sự tăng trưởng đột biến.

 Một vấn đề quan trọng khác doanh nghiệp xuất khẩu cần biết là số người không mang nguồn gốc EU sinh sống, làm việc ở EU ngày càng tăng. Nhóm người tiêu dùng nhập cư này có thói quen và nhu cầu tiêu dùng rất khác nhau. Việc tìm hiểu sở thích và hành vi của nhóm này cũng giúp doanh nghiệp tìm ra được mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. 

Hiện nay, người tiêu dùng EU đang có xu hướng quốc tế hóa về khẩu vị và lối sống. Nhờ có thu nhập cao, giao thông thuận tiện, họ thường đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thưởng thức, yêu thích các món ăn của Việt Nam và mong muốn cũng có thể mua được các món này tại các siêu thị ở EU. Theo cách này, nhu cầu đối với các sản phẩm ngoại nhập nói chung và Việt Nam nói riêng ở EU cũng có xu hướng gia tăng.

(Vietrade)

 

Nguồn:Vinanet