menu search
Đóng menu
Đóng

Những lưu ý khi xuất khẩu sang Pháp

10:06 25/05/2011
 

Trong thanh toán nên thực hiện bằng L/C. Doanh nghiệp không nên lập chi nhánh tại Pháp mà thay bằng lập văn phòng đại diện hoặc công ty con.

Sáng 24/5 diễn ra hội thảo "Xuất khẩu vào thị trường Pháp - cơ hội và thực tiễn".

Pháp là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới về GDP. Chính phủ Pháp cho phép các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi và tuyển dụng lao động địa phương; cho phép người có năng lực trình độ có thể được định cư tại Pháp trong vòng 10 năm cùng gia đình.

Ngoài ra, trên 50% các khoản thuế của doanh nghiệp cũng được hưởng miễn giảm.

Ông Olivier Monange thuộc Văn phòng luật DS Avocats lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Pháp có thể lập văn phòng đại diện hoặc công ty con nhưng không nên lập chi nhánh. 

Theo ông Monange, lập văn phòng đại diện, thủ tục thường đơn giản, tuy nhiên doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, không được phép thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ thực hiện nghiên cứu thị trường, theo dõi khách hàng. Nếu trưởng đại diện là người Việt phải khai báo trước để được cấp thẻ cho phép cư trú tại Pháp.

Còn lập chi nhánh thì được phép thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh và phải trả thuế. Song thủ tục nặng nề và chi phí tốn kém. Phạm vi thu nhập chịu thuế của chi nhánh đến nay cũng chưa rõ ràng.

Ngoài lề Hội thảo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Olivier Monange thuộc Văn phòng luật DS Avocats.

Xin ông cho biết doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để xuất khẩu thành công vào thị trường Pháp?

Theo tôi, các doanh nghiệp cần trực tiếp đến thăm dò thị trường Pháp, tìm hiểu về những  tiêu chuẩn, đặc điểm của thị trường Pháp và châu Âu. Ở Pháp, chúng tôi có chuẩn mực chung của châu Âu chứ không chỉ riêng của Pháp về vệ sinh chất lượng sản phẩm. Đối với mỗi loại hàng hóa lại có tiêu chuẩn khác nhau.

Đồng thời, thị hiếu người tiêu dùng Pháp và châu Âu cũng cần trực tiếp tìm hiểu.

Có những lưu ý gì về thủ tục thuế, hải quan cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Pháp thưa ông?

 

Tôi có 2 lời khuyên:

Một là, doanh nghiệp Việt Nam mới lần đầu xuất khẩu sang Pháp cần tìm một doanh nghiệp tư vấn của Pháp. Họ sẽ cung cấp cho các bạn tư vấn phù hợp nhất với mô hình hoạt động và tạo được các điều kiện thực tế nhất khi lần đầu tiên các bạn đặt chân vào Pháp.

Hai là, hiện ở Pháp và Liên minh châu Âu có nhiều quy chế dành cho các nhà xuất khẩu nước ngoài. Doanh nghiệp Việt nam nên xin được quy chế OEA (dành cho các doanh nghiệp được chấp thuận xuất khẩu vào Pháp) để được hưởng 2 lợi ích lớn: đơn giản hóa các thủ tục hải quan và đơn giản hóa các tiêu chí về an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm. Từ đó, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn kinh doanh tại Pháp thì có thể khai thác những thông tin về thị trường Pháp ở đâu?

Các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Pháp nên đến tận nơi để tiếp thị sản phẩm.

Khi sang tận nơi, doanh nghiệp Việt Nam nên tìm đến các phòng thương mại và công nghiệp. Họ có mạng lưới khách hàng tiềm năng rất rộng lớn ở nhiều ngành nghề và có thể định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam đâu là khách hàng tiềm năng.

Thứ hai là các hiệp hội nghề nghiệp. Chẳng hạn như hiệp hội ngành da dày, dệt may… Thứ ba là các kênh phân phối lớn thường có những văn phòng đại diện ở các nước. Nếu họ đã có văn phòng đại diện ở Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ không nhất thiết phải sang tận nơi tìm hiểu thị trường.

Còn vấn đề thanh toán hàng xuất khẩu sang thị trường Pháp liệu có gặp nhiều khó khăn?

Nếu các doanh nghiệp vừa mới tiếp cận thị trường Pháp mà chưa có các đối tác lâu năm và truyền thống thì tôi khuyên nên sử dụng kênh thanh toán đầu tiên là tín dụng thư (L/C). Sau khi đã thiết lập được các mối quan hệ thân mật và tin cậy thì có thể dùng kênh chuyển khoản. Tuy nhiên, đây là biện pháp không an toàn.

 

Nguồn:Tin tham khảo