menu search
Đóng menu
Đóng

Quan hệ thương mại Việt Nam-EU năm 2014 và dự báo 2015

08:57 26/03/2015
Tham tán Công sứ Việt Nam tại Bỉ và EU kiêm nhiệm Luxembourg - cho biết, bức tranh nền kinh tế châu Âu những tháng cuối năm 2014 vẫn chưa xuất hiện nhiều gam màu sáng.

Tham tán Công sứ Việt Nam tại Bỉ và EU kiêm nhiệm Luxembourg - cho biết, bức tranh nền kinh tế châu Âu những tháng cuối năm 2014 vẫn chưa xuất hiện nhiều gam màu sáng.

Tổng quan kinh tế, thị trường EU năm 2014

Các số liệu mới công bố cho thấy khó khăn xuyên suốt của khu vực này trong năm 2014 chưa được tháo gỡ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, năng suất sản xuất thấp, cân đối tài chính mất cân bằng, lạm phát vẫn ở mức thấp… trong khi tăng trưởng tín dụng liên tục chậm lại là các vấn đề mà Chính phủ liên minh đang phải đối mặt.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế châu Âu là nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát do áp lực lạm phát tại khu vực Eurozone liên tục ở mức thấp và giảm dần. Tháng 11, tỷ lệ lạm phát khu vực này chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (theo Eurostat) và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng 2%, bất chấp các nỗ lực trước đó của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi tung ra một loạt gói kích thích lịch sử, như hạ lãi suất tiền gửi xuống dưới 0% và triển khai các chương trình mua tài sản và tái cấp vốn dài hạn. ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Eurozone từ mức dự báo 1,6% trước đó xuống còn 1%. Kỳ vọng lạm phát năm tới cũng bị hạ từ mức 1,1% xuống còn 0,7%. Tuy nhiên, ECB cho biết giá dầu thô liên tục giảm trong thời gian gần đây có thể sẽ tác động làm giảm hơn nữa tỷ lệ lạm phát trong những tháng tới. Tuy vậy, ECB khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy tỷ lệ lạm phát và kỳ vọng lạm phát tăng nhanh nhất có thể.

Hoạt động sản xuất và dịch vụ tại Eurozone thường xuyên ở mức thấp trong suốt năm 2014 và đồng loạt suy yếu trong tháng 11. Chỉ số PMI (gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) của khu vực giảm xuống 51,1 điểm trong tháng 11, mức thấp nhất 16 tháng qua. Trong đó, lĩnh vực sản xuất của 3 nền kinh tế lớn nhất là Đức, Pháp và Italy - đồng loạt suy yếu trong tháng 11 với PMI xuống dưới ngưỡng suy giảm - tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất của Đức giảm xuống 49,5 điểm - mức thấp nhất trong 17 tháng, Pháp và Italy cũng lần lượt giảm xuống 48,4 điểm và 49 điểm. Theo nhận định chung, tình trạng tăng trưởng chậm tại Đức và Pháp vẫn là mối lo ngại chính của Eurozone. Những nước còn lại trong khối có phần khởi sắc hơn nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất và dịch vụ bắt đầu có xu hướng chậm lại.

Thất nghiệp cũng là một trong những trở ngại lớn đối với quá trình phục hồi kinh tế của Eurozone. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao trong 4 tháng liên tiếp, theo số liệu mới nhất trong tháng 10, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 11,5% cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế khu vực này vẫn đang trong tình trạng đáng lo ngại.

Trong quý III/2014, kinh tế Eurozone tăng trưởng nhanh hơn so với quý II, tuy nhiên mức tăng trưởng chỉ ở mức 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế EU có phần khởi sắc hơn là nhờ hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp đã thoát cuộc suy thoái mới. Theo đó, GDP quý III của Đức và Pháp lần lượt tăng trưởng 0,1% và 0,3% sau khi đồng loạt giảm 0,1% trong 3 tháng trước đó. Chi tiêu tiêu dùng và ngoại thương tăng mạnh là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho đà phục hồi của 2 nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Trong khi đó, GDP của Italia tiếp tục giảm 0,1% trong quý III, ghi nhận quý thứ 13 liên tiếp của quốc gia này không tăng trưởng. Như vậy, Italy trở thành nền kinh tăng trưởng chậm nhất khu vực trong hơn 10 năm qua và cũng là nước duy nhất quay lại thời kỳ suy thoái.

Mặc dù các nhà máy liên tục cắt giảm chi phí trong 3 tháng liên tiếp nhưng lĩnh vực sản xuất của Eurozone vẫn trì trệ, chứng tỏ các biện pháp kích thích của Chính phủ liên minh chưa thực sự hiệu quả và kinh tế khu vực đang mất dần đà tăng trưởng.

Trong phiên họp tháng 12, ECB đã quyết định duy trì chính sách lãi suất thấp kỷ lục và cho biết sẽ xem xét tăng cường kích thích vào đầu năm 2015. ECB đồng thời cũng sẽ tiếp tục thực hiện chương trình mua tài sản có đảm bảo và tái cấp vốn dài hạn mục tiêu theo lộ trình đưa ra trước đó. Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio cho biết, ECB có thể sẽ mua trái phiếu chính phủ từ quý I/2015 để kích thích tăng trưởng kinh tế Eurozone, đồng thời ngăn chặn tình trạng giảm phát.

Eurostat cho biết, thặng dư thương mại tháng 8 (đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ) của khu vực đồng Euro tăng lên 9,2 tỷ Euro từ mức 7,3 tỷ Euro trong cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại của khu vực tăng mạnh chủ yếu là do nhập khẩu giảm thay vì xuất khẩu tăng. Theo đó, xuất khẩu giảm 0,9% so với tháng trước đó và đây là tháng thứ 3 liên tiếp giảm. Xuất khẩu giảm là tín hiệu xấu đối với kinh tế EU - vốn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động thương mại. Trong quý II, thương mại chính là động lực thúc đẩy kinh tế khu vực đồng Euro tăng trưởng. Xuất khẩu tháng 8 giảm một phần là do lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga nhằm trả đũa loạt đòn trừng phạt từ Chính phủ liên minh trước đó. Ngoài ra, nhập khẩu cũng giảm mạnh với 3,1% do nhu cầu tiêu dùng nội địa suy yếu. Tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với tốc độ tăng lương chậm và chương trình “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ là những yếu tố chính kéo giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn:Vinanet