Theo Tham tán công sứ Việt Nam tại Bỉ và EU kiêm nhiệm Luxembourg, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2014, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đạt kim ngạch 25,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 23,7 tỷ USD. Từ kết quả này so với năm 2013 (tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 26,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 21,3 tỷ USD và nhập khẩu từ EU 5,3 tỷ USD) thì có thể nói, trao đổi thương mại hai bên năm 2014 tiếp tục được duy trì ở mức tương đối ổn định. Tôi xin căn cứ số liệu của Eurostat để đánh giá thêm.
8 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt gần 18,13 tỷ Euro (giảm -0,8% so với cùng kỳ năm 2013). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU lượng hàng hóa có giá trị gần 14,3 tỷ Euro, giảm - 0,6% và nhập khẩu từ EU lượng hàng hóa có giá trị hơn 3,7 tỷ Euro, giảm -1,6% so với cùng kỳ năm 2013. Thặng dư thương mại trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt gần 10,6 tỷ Euro. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam vào EU giảm không đáng kể. Trong bối cảnh địa chính trị của EU năm 2014 thì kết quả đó thật đáng khích lệ đối với cả hai bên. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm là: Sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử (-18,2%) và cà phê (-8%). Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực khác lại tăng mạnh như: Giày dép (+19,9%), dệt may (+23,3%), valy và túi xách (+24,8%), hàng công nghiệp nhẹ (đồ gia dụng) và thủ công mỹ nghệ (+10,0%), thủy - hải sản (6,1%), gỗ và đồ gỗ gia dụng, nội thất (+12,3%)...
Nhập khẩu từ EU vào Việt Nam 8 tháng đầu 2014 cũng có những trồi, sụt so với cùng kỳ năm 2013. Chẳng hạn, trong khi một số mặt hàng chính tăng rất mạnh: Gỗ và đồ nội thất (+77,0%), máy móc - thiết bị công nghiệp (+10,4%), thực phẩm, sữa, bánh kẹo, đồ uống (+15,0%)… thì lại có một số mặt hàng giảm như: sắt thép và kim loại khác (-23,0%), phân bón (-5,6%)...
Nhận định và dự báo đối với quan hệ thương mại hai chiều năm 2015, theo Tham tán công sứ Việt Nam tại Bỉ và EU kiêm nhiệm Luxembourg cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng. Sớm, muộn gì thì hiệp định cũng sẽ được hai bên ký kết trong năm nay. Cơ sở để có thể khẳng định điều đó là tại Vòng đàm phán thứ 10 diễn ra tại Brussels (Bỉ) tháng 10/2014, hai bên đã đạt được kết quả khả quan với nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ diễn ra cùng thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đã ký Tuyên bố chung Việt Nam - EU về định hướng kết thúc đàm phán EVFTA trong vài tháng tới. Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần đạt một kết quả cân bằng, tham vọng trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến tiếp cận thị trường (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, các dòng đầu tư, mua sắm chính phủ) cũng như các quy định, luật lệ (bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý của cả hai bên, doanh nghiệp nhà nước, nội luật, bảo hộ đầu tư, thuế xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu… và nhiều lĩnh vực khác). Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán EVFTA, bởi đây chính là vai trò và công cụ chủ chốt để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện song phương, đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư hiệu quả hơn hiện nay trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Ngày 24/3 mới đây, vòng đàm phán thứ 12 về EVFTA đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là động lực quan trọng để Việt Nam và EU bứt phá hướng tới những đích mới trong quan hệ, hợp tác, phát triển kinh tế nói chung, thương mại nói riêng trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn, trở ngại ở phía trước. Như đã nói, những tháng cuối năm 2014, nền kinh tế EU tiếp tục phục hồi chậm, yếu cùng các vấn đề tồn tại khác đang là những thách thức lớn của khu vực này; mặc dù Ngân hàng châu Âu quyết tâm tháo gỡ khó khăn, kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua các gói kích thích lịch sử và được dự báo là sẽ có hiệu quả rõ ràng hơn đối với tình hình kinh tế châu Âu trong năm 2015.
Trong bối cảnh đó, dự báo trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ gặp khó do tác động gián tiếp từ căng thẳng chính trị giữa EU với Nga qua hậu vấn đề Ukraine. Nga tiếp tục từ chối nhập các loại trái cây và rau quả từ EU, thị trường xuất khẩu thực phẩm, rau quả lớn của EU bị chặn đầu tiêu thụ. Tương tự, các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ gặp khó khi xuất sang thị trường này. Bên cạnh đó, do tác động của các gói kích thích kinh tế của EU gần đây, tỷ giá đồng Euro giảm mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Trước thực tế đó và để tận dụng tốt các cơ hội, duy trì tăng trưởng xuất khẩu với EU trong năm 2015, tham tán cho biết, chúng ta cần đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán FTA với EU. Vì trong bối cảnh kinh tế EU vẫn khó khăn thì chỉ việc giảm mạnh thuế các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam mới tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường EU.
Ngay sau khi hoàn tất đàm phán, cần triển khai mạnh các hoạt động vận động chính trị, ngoại giao để Nghị viện EU sớm phê chuẩn FTA Việt Nam – EU.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường EU, đặc biệt là các doanh nghiệp cần tăng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm hàng hóa và tham dự các hội chợ thương mại trên địa bàn EU28. Đối với mặt hàng thủy sản và các hàng nông, lâm sản khác…, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì trong thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu này của Việt Nam luôn bị EU đặt dưới sự kiểm soát và cảnh báo cao về nguy cơ vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thêm nữa, trước bối cảnh đồng Euro đang ngày càng yếu đi so với USD, các doanh nghiệp chú ý đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu bằng USD, trong khi nhập khẩu nên bằng Euro.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử
Nguồn:Vinanet