menu search
Đóng menu
Đóng

Quan hệ thương mại Việt Nam – Ma-rốc

10:50 09/12/2013
Ma-rốc nằm ở khu vực Bắc Phi, phía bắc là Địa Trung Hải, phía đông giáp An-giê-ri, phía nam giáp Tây Sahara và phía tây là Đại Tây Dương. Do nằm giáp eo biển Gibralta là điểm ngắn nhất ngăn cách châu Âu với châu Phi nên Ma-rốc có một vị trí địa-chính trị quan trọng ở khu vực Bắc Phi.
Ma-rốc nằm ở khu vực Bắc Phi, phía bắc là Địa Trung Hải, phía đông giáp An-giê-ri, phía nam giáp Tây Sahara và phía tây là Đại Tây Dương. Do nằm giáp eo biển Gibralta là điểm ngắn nhất ngăn cách châu Âu với châu Phi nên Ma-rốc có một vị trí địa-chính trị quan trọng ở khu vực Bắc Phi.

Với diện tích 446.550 km2, Ma-rốc có dân số khoảng 32 triệu người (năm 2013). Tiếng A-rập là ngôn ngữ chính thức và tiếng Pháp là ngoại ngữ phổ biến, ngoài ra còn có tiếng địa phương Béc-be. Về tôn giáo, đạo Hồi là quốc đạo chiếm 98,7%. Đơn vị tiền tệ của Ma-rốc là đồng Đi-ham (DH) (1 USD = 8 DH)

Ma-rốc theo chế độ quân chủ lập hiến, nguyên thủ quốc gia là Đức vuaMOHAMED VI lên ngôi từ 30/07/1999.

Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2012, GDP của Ma-rốc đạt 97,17 tỷ USD, tăng trưởng chỉ đạt mức 2,9% trong khi chỉ tiêu Chính phủ đề ra là 5% do giảm giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp. GDP bình quân đầu người khoảng 3000 USD/năm. Tỷ lệ lạm phát là 1,4%.

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 14,6%, công nghiệp 32,8% và dịch vụ 52,6%.

Về tài nguyên, Ma-rốc có trữ lượng phốt phát lớn nhất thế giới với 54,5 tỷ tấn (sản xuất khoảng 20 triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu 10 triệu tấn), ngoài ra có sắt, măng gan, chì, thiếc, muối.

Trong lĩnh vực ngoại thương, năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Ma-rốc đạt 22,23 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có phốt phát và phân bón, hàng dệt may, thực phẩm và đồ uống, khoáng sản, thành phần điện tử, bán dẫn, sản phẩm dầu lửa, trái cây có múi, cá. Các bạn hàng chính là Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Braxin, Mỹ.

Kim ngạch nhập khẩu của Ma-rốc năm 2012 là 42,49 tỷ USD. Mặt hàng nhập khẩu chính gồm dầu thô, hàng sơ chế, trang thiết bị viễn thông, thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng, nhiên liệu, điện. Các bạn hàng chính là Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ. A-rập Xê-út, Trung Quốc, Ý và Nga.

Đáng lưu ý là cán cân thương mại hàng hóa của Ma-rốc vẫn bị thâm hụt kinh niên, kim ngạch xuất khẩu nhìn chung chỉ bằng 40% - 50% kim ngạch nhập khẩu. Nguyên nhân thâm hụt thương mại của Ma-rốc là do hàng năm nước này phải nhập khẩu một khối lượng lớn các sản phẩm nhiên liệu và máy móc thiết bị, chủ yếu là các loại hóa chất, chất dẻo nhân tạo, xe con và phụ kiện, dược phẩm, vi, hàng điện tử, lúa mì, đường, sữa, cà phê, chè, thuốc lá. Ngoài ra, hàng năm, Ma-rốc phải nhập hầu như toàn bộ nhu cầu trong nước về dầu mỏ và khí đốt.

Quan hệ thương mại Việt Nam-Ma-rốc

Việt Nam và Ma-rốc lập quan hệ ngoại giao từ ngày 27/3/1961. Hiện hai nước đã có Đại sứ quán tại thủ đô của nhau.

Hai bên cũng đã có nhiều cuộc trao đổi đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam có đoàn Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An thăm Ma-rốc (2005), Đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải (2004). Về phía Ma-rốc có đoàn của Chủ tịch Hạ viện (2003), Thủ tướng Ma-rốc (11/2008).

Hai nước đã thành lập Uỷ ban hỗn hợp liên chính phủ. Kỳ họp lần thứ ba dự kiến diễn ra tại Ma-rốc vào tháng 12/2013.

Việt Nam và Ma-rốc đã ký nhiều biên bản thoả thuận trong đó có Hiệp định thương mại (2001), Hiệp định khung hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật, Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt, Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp, Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ma-rốc, và Thỏa thuận hợp tác giữa VCCI với Tổng Liên đoàn giới chủ Ma-rốc (2004), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2008), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (2012).

Trong lĩnh vực thương mại, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với Ma-rốc. Cùng với việc Đại sứ quán được thành lập, Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc chính thức đi vào hoạt động năm 2005.

Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn công tác sang Ma-rốc như đoàn xúc tiến thương mại do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu (tháng 6/2008); đoàn tham dự Diễn đàn Kinh doanh châu Á (tháng 3/2012), đoàn nghiên cứu hàng nông sản do Thứ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu (tháng 10/2013). Đầu tháng 11/2013, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng có buổi làm việc với Bộ trưởng đặc trách ngoại thương Ma-rốc nhân dịp Bộ trưởng sang dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam-Bắc Phi-Trung Đông tại Hà Nội.

Tháng 3 và tháng 4 năm 2013, Bộ Công Thương và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội thảo đầu tư quốc tế về Bắc Phi tại thành phố Marrakech và Hội chợ quốc tế chuyên ngành về nông nghiệp tại thành phố Meknès. 

Bên cạnh đó, hoạt động thông tin, tuyên truyền về tiềm năng thị trường Ma-rốc cũng được đẩy mạnh thông qua các cuộc hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản sách...

Chính vì vậy, trao đổi giữa hai nước những năm gần đây có sự tăng trưởng mạnh. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc đã tăng gấp đôi so với năm 2011, đạt 81 triệu USD đưa Ma-rốc trở thành một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là cà phê, điện thoại và linh kiện, hàng hải sản, tàu thuyền các loại, hạt điều, hạt tiêu, đĩa DVD, vải sợi các loại, hàng dệt may, lưới đánh cá, hàng rau quả, cao su, giày dép các loại, máy móc, thiết bị phụ tùng, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy... Về nhập khẩu, kim ngạch không đáng kể, chỉ đạt 3,7 triệu USD. Việt Nam mua của Ma-rốc chủ yếu là máy vi tính, tân dược, phân DAP, nguyên phụ liệu dệt may, da giày...

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc đã và đang có sự dịch chuyển theo hướng tích cực: Các mặt hàng nông sản xuất khẩu thô và qua khâu trung gian như hạt tiêu, cơm dừa đã giảm dần nhường chỗ cho hàng công nghiệp. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngày càng đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp vào một, hai mặt hàng như những năm trước đây. Điện thoại và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 (36,8 triệu USD) thay thế cho cà phê với mức tăng trưởng gấp 10 lần so với năm 2011. Nhóm hàng vải, xơ, sợi các loại vẫn duy trì được kim ngạch 4,5 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 13,6 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2011. Mặc dù mới xuất hiện gần đây nhưng thuỷ sản chủ yếu là cá tra và tôm đông lạnh đang ngày càng có chỗ đứng tại thị trường này với kim ngạch đạt 4,1 triệu USD. Các sản phẩm từ sắt thép đạt kim ngạch 2 triệu USD, tăng 5 lần so với năm 2011. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu thêm mặt hàng tàu thuyền các loại với kim ngạch đạt 2,79 triệu USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 86,8 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Ma-rốc đạt 81 triệu USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện thoại di động và linh kiện đạt 52,8 triệu USD, cà phê 5,67 triệu USD, hàng hải sản 3,8 triệu USD, tàu thuyền các loại 1,98 triệu USD, hóa chất 1,9 triệu USD, máy vi tính 1,5 triệu USD, giày dép các loại 1,38 triệu USD, hạt tiêu 1,3 triệu USD, sản phẩm dệt may 1,26 triệu USD... Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 5,8 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước với các sản phẩm chính là máy vi tính và linh kiện 1,52 triệu USD, hàng hải sản 1,44 triệu USD, phân DAP 1,16 triệu USD, sản phẩm dệt may 1,1 triệu USD, sản phẩm dệt may 1,17 triệu USD, tân dược 0,38 triệu USD. Dự báo năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc có thể vượt con số 100 triệu USD.

Mặc dù có sự tăng trưởng cao nhưng trao đổi thương mại song phương vẫn còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Ma-rốc là một trong những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh ở châu Phi, có tình hình chính trị ổn định. Tại thị trường này, thời gian qua không xảy ra các vụ lừa đảo thương mại qua mạng Internet. Hàng hoá của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng địa phương biết đến và đánh giá cao. Ngoài ra, với lợi thế có cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại, cùng với công tác thông tin, tuyên truyền tích cực của Bộ Công Thương về tiềm năng xuất nhập khẩu của thị trường này, dự báo thời gian tới kim ngạch giữa hai nước có nhiều triển vọng nâng kim ngạch./.

(Theo TTNN)

Nguồn:Internet