menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng cường thúc đẩy kinh tế thương mại Việt Nam - Nhật Bản

10:04 15/04/2009
Ngày 14/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì Hội nghị phổ biến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Nhật Bản đã và đang là một trong những đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam kể từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới. Nhật Bản luôn giữ vai trò một thị trường quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia đầu tư và làm ăn kinh doanh với Việt Nam. Gần đây, quan hệ Việt Nam–Nhật Bản phát triển nhanh trên mọi lĩnh vực, theo phương châm đối tác chiến lược. Với tiềm năng thị trường lớn và môi trường pháp lý, kinh tế ngày càng thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 8,5 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2007 và Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được chấp nhận tại thị trường Nhật Bản. Mặt khác, Nhật Bản cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn thực hiện lớn tại Việt Nam.

Hội nghị đã nghe đại diện Bộ Công Thương giới thiệu về quá trình đàm phán Hiệp định EPA Việt-Nhật; về nội dung và lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định; về quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định và về những cơ hội và thách thức đối với thị trường Nhật Bản...

Về những mặt hàng có triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết: Ngoài các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nhật Bản là thủy sản (550 triệu USD/năm), đồ gỗ (năm 2006 là 286 triệu USD), hàng dệt may (năm 2008 đạt 820 triệu USD), hàng thủ công mỹ nghệ (73 triệu USD)... Các mặt hàng mà Nhật Bản đang và sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn là: thực phẩm chế biến, rau quả tươi và hoa tươi, hàng cơ khí gia dụng, nhựa gia dụng, đặc biệt là xuất khẩu phần mềm ta đang có thế mạnh về trình độ nhân lực.

Trong quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản: Tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau là yếu tố quyết định thành công; yếu tố quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo quy cách, phẩm chất, số lượng, giá cả và thời gian giao hàng như thỏa thuận; cần quản lý chất lượng nghiêm ngặt; chú ý đến yếu tố khí hậu và tập quán tiêu dùng của người Nhật Bản. Đồng thời cần tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản.

Nguồn:Vinanet