menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng dệt gia dụng EU – Cơ hội và hướng thâm nhập

08:18 18/09/2009

Theo báo cáo của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI, Hà Lan), tiêu thụ các mặt hàng dệt gia dụng ở EU năm 2007 là 5,078 tỷ EUR. Hàng dệt gia dụng bao gồm các sản phẩm: chăn và túi đi du lịch, ga trải giường, khăn trải bàn, khăn tắm, mành rèm và các đồ dệt gia dụng khác. Trong EU, 5 quốc gia tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm dệt gia dụng là Đức, Pháp, Anh, Itlaia và Tây Ban Nha, chiếm khoảng 70% tổng mức tiêu thụ của toàn EU.Nhu cầu đối với các sản phẩm dệt gia dụng ở EU tăng khoảng 6,6%/năm. Từ sau năm 2007, mức tiêu thụ mặt hàng này ở EU tăng trung bình 2%/năm, dự báo vào năm 2010 sẽ đạt mức tăng 4,6%.

Tiêu thụ hàng dệt gia dụng tại EU phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể kể đến là yếu tố về quy mô hộ gia đình. Năm 2010, dự kiến số hộ gia đình EU sẽ tăng lên 205 triệu hộ, tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ người kết hôn giảm và ly hôn tăng đang ảnh hưởng tới quy mô của các hộ gia đình. Ở các quốc gia thuộc EU như Đức, Hà Lan và các nước khu vực Scandinavia, số hộ gia đình có một người chiếm 50%. Ở Tây Ban Nha và Italia, số hộ gia đình có hơn hai người chiếm phần lớn. Tiếp đó là yếu tố xây dựng nhà mới. Khi nhà được xây mới nhiều thì nhu cầu trang trí lại nhà cửa sẽ nhiều hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia CBI, dựa vào tình hình phát triển của các yếu tố nêu trên, nhìn chung tiêu dùng có xu hướng chú trọng nhiều hơn vào các sản phẩm giá cả vừa phải. Tuy nhiên, với mức thu nhập ngày càng cao của người dân EU thì các sản phẩm chất lượng và giá cao cũng có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường này.

Sản xuất các mặt hàng dệt gia dụng ở EU đang giảm dần, mỗi năm khoảng 7,5% trong giai đoạn 2003-2007, đạt 2,883 tỷ EUR vào năm 2007. Trong EU, Italia là quốc gia sản xuất lớn nhất hàng dệt gia dụng, chiếm 19% tổng lượng sản xuất của toàn khối. Các nhà sản xuất EU tập trung vào các sản phẩm giá trị cao với mẫu mã thiết kế đẹp. Như vậy, phân đoạn thị trường dành cho các sản phẩm bậc trung trở xuống đang dành nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất và xuất khẩu nước ngoài. Ngày nay, hoạt động sản xuất các mặt hàng này ở EU đang chuyển dần sang các nước đang phát triển để giảm giá thành.

Nhập khẩu hàng dệt gia dụng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với thị trường EU. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của EU tăng hàng năm là 5,5%, đạt 4,9 tỷ EUR trong khi sản xuất ở EU giảm 7,5%, tương đương 2,9 tỷ EUR trong năm 2007, điều này tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Trên thực tế những năm qua, nhập khẩu hàng dệt gia dụng của EU từ các nước đang phát triển tăng khá nhanh, trung bình 10%/năm. Các nước đang phát triển có chỗ đứng vững chắc trên thị trường EU đối với hàng dệt gia dụng và chiếm 60% tỷ trọng trong tổng kim ngạch  nhập khẩu của toàn thị trường. Hiện nay, những nước đang phát triển dẫn đầu về cung cấp hàng dệt gia dụng cho thị trường EU bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù không nằm trong các quốc gia dẫn đầu nhập khẩu mặt hàng này sang EU, nhưng xuất khẩu hàng dệt gia dụng của Việt Nam vào EU thời gian qua cũng đã tăng trưởng trên 20%/năm. Các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt gia dụng của Việt nam sẽ ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu mặt hàng này vào EU hơn, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy, khi giá cả các sản phẩm Trung Quốc đang tăng cao và nhiều vấn đề bất cập về chất lượng, người tiêu dùng EU bắt đầu chuyển hướng nhập khẩu nhiều hơn từ các nước đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam.

Để đảm bảo thâm nhập thị trường này thành công, các doanh nghiệp dệt gia dụng Việt Nam cần phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản về thâm nhập thị trường. Trước hết là các yêu cầu về bao gói. Bao gói cần phải chắc chắn, đảm bản an toàn trong quá trình vận chuyển. Sau đó là các yêu cầu về nhãn mác. Yêu cầu về nhãn mác có hai loại: tự nguyện và bắt buộc. Các yêu cầu bắt buộc bao gồm thông tin về thành phần sản phẩm và thông tin bảo quản sản phẩm - hướng dẫn giặt. Các yêu cầu tự nguyện bao gồm nước sản xuất, tên sản phẩm và các thông tin tiêu dùng khác…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn cần chú trọng trong khâu định giá sản phẩm xuất khẩu. Mặc dù giá cả không phải là công cụ marketing duy nhất cho các sản phẩm này vào thị trường EU nhưng lại là một yếu tố rất quan trọng. Các nhà xuất khẩu  cần phải tính toán kỹ các chi phí khi xuất khẩu vào EU để đặt ra mức giá hợp lý. Tối thiểu là các chi phí cố định và những chi phí phát sinh khác phải được bao gồm hết trong giá. Cần cố gắng đảm bảo hiệu quả hoạt động để giảm các chi phí, ví dụ giảm hàng tồn kho, lưu thông sản phẩm hiệu quả hơn và đàm phán giá thấp đối với nguyên liệu sản xuất sản phẩm và bao gói.

Nguồn:Vinanet