menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam - Đức: Tăng cường quan hệ đầu tư, thương mại

09:13 17/09/2010
Các DN Đức ngày càng quan tâm đến Việt Nam và mong muốn phát triển các mối quan hệ đầu tư và thương mại, do Việt Nam có tình hình chính trị ổn định, có nguồn lao động dồi dào, trẻ, ham học hỏi và là một thị trường tiềm năng...

Các DN Đức ngày càng quan tâm đến Việt Nam và mong muốn phát triển các mối quan hệ đầu tư và thương mại, do Việt Nam có tình hình chính trị ổn định, có nguồn lao động dồi dào, trẻ, ham học hỏi và là một thị trường tiềm năng...

Hiện tại có 210 DN và văn phòng đại diện của các công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam. Đức có 139 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 778 triệu USD, đứng thứ 22 trên tổng số 89 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trên 3/4 tổng số dự án và 2/3 tổng số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao như ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ phần mềm và thông tin truyền thông, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm... Hiện 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã tiếp nhận các dự án đầu tư của Đức nhưng các dự án chủ yếu vẫn được thực hiện tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Một số tập đoàn lớn của Đức đã có dự án đầu tư tại Việt Nam như Metro Cash & Carry, Siemens, Bosch, Deutsche Bank, Allianz… Các DN Đức ngày càng quan tâm đến Việt Nam và mong muốn phát triển các mối quan hệ đầu tư và thương mại.

Trên thực tế DN Đức đầu tư vào Việt Nam chậm hơn các nước khác, nhưng khi đã đầu tư thì rất bền vững và thời gian ở lại cũng lâu hơn. Điều quan trọng nhất để các DN Đức đưa ra quyết định đầu tư là quốc gia sở tại đáp ứng được điều kiện khung như môi trường pháp lý tốt, vốn đầu tư được bảo hộ, ít tham nhũng. Ngoài ra Chính phủ Đức cũng đã thiết lập những công cụ, thể chế để khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Việc khuyến khích các DN Đức đầu tư vào Việt Nam, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng, mà các DN Đức cũng dễ dàng thu được lợi nhuận.

Triển vọng thu hút các nhà đầu tư Đức vào Việt Nam mở ra thêm nhiều cơ hội mới bởi việc triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm như: Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP.HCM, Dự án đường sắt Việt Nam, Dự án mở đường bay trực tiếp giữa Berlin và Hà Nội, Dự án xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai)… Thêm đó, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới sẽ rất lớn, tương đương khoảng 11% GDP mỗi năm; trong khi ngân sách nhà nước của Việt Nam chỉ có khả năng đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu này. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Đức tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như: đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, sân bay... dưới các hình thức đầu tư phù hợp như: BOT, BT, BTO, PPP.

Trong số các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Đức luôn là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Trong 5 năm 2005-2009, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt 13,2%. Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên trong năm 2009 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Đức chỉ đạt 3,19 tỷ USD, giảm khoảng 8,9% nhưng kim ngạch nhập khẩu từ Đức vào Việt Nam vẫn đạt 1,57 tỷ USD, tăng khoảng 7%.

Các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang Đức gồm: giày dép, hàng dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da, gốm sứ, cao su, hạt tiêu…

Các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị điện, thiết bị cho ngành khai khoáng và xây dựng, máy dệt, ô tô, hóa chất, dược phẩm lĩnh vực thương mại.

Dự báo tổng trị giá trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2010 có khả năng đạt khoảng 5-5,1 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với 2009, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức sẽ đạt 3,5-3,6 tỷ USD, tăng 9-12% so với 2009 (bằng hoặc vượt con số 2008 là năm trước suy thoái), và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với 2009 (bằng năm 2008).

Hai nước đã ký kết một số Hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các Hiệp định hợp tác hàng hải, hàng không.../.

 
Nguồn: www.ttnn.com.vn

Nguồn:Vinanet