Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), phía Hàn Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam, trong đó có tôm, cua, cá.
Những năm gần đây, Hàn Quốc được xem đây là thị trường XK ổn định và giàu tiềm năng của doanh nghiệp XK tôm, mực, bạch tuộc Việt Nam. Việt Nam đang là nguồn cung lớn nhất tôm tại Hàn Quốc chiếm gần 46% tổng giá trị NK của nước này, tiếp đó là Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh.
Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), giá tôm tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao hơn so với giá NK trung bình của Hàn Quốc, đồng thời cao hơn so với giá tôm của Ấn Độ, Bangladesh khoảng 1 USD/kg, cao hơn giá tôm của Indonesia từ 1,5-2 USD/kg và cao hơn giá tôm Trung Quốc 4-5 USD/kg.
Theo VKFTA vừa mới được ký, Hàn Quốc cam kết sẽ miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên đến mức 15.000 tấn/năm. Không chỉ giảm thuế, cam kết còn giảm thiểu các hàng rào phi thuế, các yêu cầu về kỹ thuật...
Về sản phẩm mực, bạch tuộc, Hàn Quốc đang là thị trường NK hàng đầu các mặt hàng này của Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/2015, Hàn Quốc chiếm đến 41,2% XK mực, bạch tuộc của Việt Nam, tương đương 35,8 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nửa nhu cầu NK bạch tuộc đông lạnh, khô muối hoặc ngâm nước muối của Hàn Quốc gia tăng trong 2 năm trở lại đây và đầu năm 2015 đang là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thuế suất ưu đãi, sự minh bạch về hàng rào phi kỹ thuật dễ chịu hơn, các doanh nghiệp XK thủy sản Việt Nam đang và sẽ có nhiều lợi thế hơn nữa so với các đối thủ cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, dù "cánh cửa” vào thị trường Hàn Quốc đã rộng mở hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng trong thời gian tới những đòi hỏi khắt khe hơn về an toàn thực phẩm buộc cả Nhà nước và doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát dư lượng kháng sinh và đổi mới hơn hoạt động kinh doanh.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử
Nguồn:Vinanet