Ngày 14 tháng 5 năm 2015, Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng đã có buổi tiếp và làm việc với Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB), ông Tomoyoki Kimura. Đi cùng đoàn ADB có ông Kelly Bird, Giám đốc phụ trách lĩnh vực Quản lý công, Thương mại và Tài chính của ADB tại Manila và các đại diện khác của ADB tại Hà Nội.
Tại buổi tiếp, Giám đốc ADB tại Việt Nam chia sẻ kế hoạch khởi động công tác xây dựng chương trình hỗ trợ của ADB tại Việt Nam cho giai đoạn 2016–2020. Đoàn ADB muốn tìm hiểu về kế hoạch phát triển của Việt Nam nói chung và của Bộ Công Thương nói riêng trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính như cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và kế hoạch hội nhập của Việt Nam. Ông Kimura đề xuất sau cuộc họp này, các nhóm công tác sẽ làm việc và tìm hiểu cụ thể về các vấn đề. Trên cơ sở đó, ADB sẽ xây dựng kế hoạch tài trợ cho Việt Nam thông qua các chương trình, dự án án cho giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế của mình, đặc biệt trong bối cảnh cấp bách cần tìm các biện pháp hữu hiệu để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, tận dụng các lợi thế khi việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính phủ kiên quyết việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng. Để thực hiện điều này, Bộ Công Thương đã quyết tâm chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty đồng bộ, thống nhất theo ngành, lĩnh vực quản lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng gắn với quốc phòng, an ninh. Đây là nỗ lực nhằm đưa các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả hơn, minh bạch hơn và đem lại lợi nhuận nhiều hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở thêm nhiều cơ hội hơn cho khu vực tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nhất định, công tác cải cách và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng gặp phải một số khó khăn và hạn chế như công tác kiểm toán, định giá trị tài sản, rất cần thiết có sự tham gia và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế dầy kinh nghiệm như ADB.
Cũng giống như các nước ASEAN, năm 2015 là năm bản lề quan trọng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, trong đó các quốc gia phải hoàn tất các nghĩa vụ cam kết của mình. Để chuẩn bị hội nhập tốt AEC và có thể tận dụng các cơ hội mang lại, Việt Nam có các giải pháp và kế hoạch cho riêng mình. Bên cạnh công tác cải cách doanh nghiệp nhà nước, hình thức hợp tác công tư (PPP) và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được chú trọng. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Việc mở rộng quy mô sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng mới, ổn định luôn là mối quan tâm đặc biệt của Bộ Công Thương.
Kết thúc buổi tiếp và làm việc, Bộ trưởng cảm ơn những hợp tác, hỗ trợ của ADB trong thời gian qua đối với Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng, đồng thời mong muốn ADB tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực kinh tế thương mại và công nghiệp của Bộ, góp phần cải cách nền kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh quốc gia, tận dụng các cơ hội hội nhập kinh tế mang lại.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)/ Vụ Hợp tác quốc tế
Nguồn:Internet