menu search
Đóng menu
Đóng

XK thủy sản sang Australia: Doanh nghiệp cần chủ động

10:05 02/03/2015
Muốn xuất khẩu thủy sản sang Australia, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm khách hàng và tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Muốn xuất khẩu thủy sản sang Australia, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm khách hàng và tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, hàng năm, Australia nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD hàng thủy sản nhưng con số xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia mặc dù đã tăng 20,7% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 228,8 triệu USD.

Ông Norman Grant, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Úc (SIAA) cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu vẫn đang tiếp cận thị trường phân khúc giá thấp. Do vậy, hàm lượng giá trị gia tăng trong hàng thủy sản Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm thủy sản Việt Nam chủ yếu là do các nhà nhập khẩu thủy sản Australia thực hiện. Có một thực tế là các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn còn có tư tưởng “đợi” khách hàng tìm đến mình thay vì chỉ động tìm kiếm khách hàng.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang Australia, trước hết các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần phải nỗ lực nâng cao chất lượng hàng thủy sản, chú trọng đưa hàng có chất lượng cao tới thị trường.

Bên cạnh đó các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần phải đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Khi có cơ hội tiếp cận được với các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp cần chủ động thu xếp gặp gỡ trực tiếp khách hàng ngay tại Australia, tiến tới mở văn phòng đại diện để trực tiếp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các khách hàng tiềm năng.

Ở góc độ vĩ mô, ông Norman nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chuyển đổi ngành thủy sản thể hiện qua việc ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, trong đó có điều 6 của Nghị định quy định điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến. Khoản 3 của điều này nêu rõ “Tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%”.

Tuy nhiên trên thực tế, quy định tỷ lệ mạ băng như vậy được cho là khá thấp, làm tăng chi phí cho sản phẩm xuất khẩu, trong khi thị trường thế giới vẫn chấp nhận tỷ lệ mạ băng cao hơn.

Ông Norman cũng đưa ra gợi ý, các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong đó có ngành nông nghiệp và du lịch cần phối hợp với nhau để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm thủy sản Việt Nam thông qua các tour du lịch tới thăm các trang trại nuôi trồng thủy sản của Việt Nam ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo ra hình ảnh Việt Nam là nơi có những khu vực nuôi trồng thủy sản ở quy mô lớn, theo quy trình, chuẩn mực quốc tế.

Thêm vào đó, Việt Nam cần có cơ chế chính sách góp phần xây dựng một số thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực thủy sản.

Nguồn: baohaiquan.vn

Nguồn:Hải quan Việt Nam