Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ sáu trên thế giới, với giá trị xuất khẩu tăng bình quân 27,15% trong thời kỳ 2001- 2010 và năm 2014 đạt được con số 6,23 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ sẽ đạt trên 7 tỷ USD.
Gỗ và sản phẩm gỗ ước giá trị xuất khẩu 5 tháng/2015 đạt gần 2,56 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015- chiếm 65,3% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), với ưu thế về mặt thị trường như châu Âu đang giảm sản xuất đồ gỗ do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá… đây là cơ hội lớn cho DN Việt đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ. Kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh kỷ lục đến cuối năm nay khi các DN xuất khẩu gỗ trong nước đã thông báo số lượng lớn các đơn đặt hàng quốc tế kéo dài cho cả năm. Ngoài ra, Cộng đồng Kinh tế Asean sẽ được hình thành vào cuối năm nay sẽ cung cấp nhiều cơ hội hơn vì gỗ là một trong 12 ngành ưu tiên hàng đầu trong xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu đồ gỗ đang tăng trưởng tốt, năm nay ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu 7 tỷ USD, tăng 800 triệu USD so với năm ngoái. Theo đánh giá của Hawa mục tiêu này sẽ khả quan, bởi so với năm ngoái, năm nay tình hình đơn hàng của các DN trong ngành tốt hơn nhiều. Không chỉ xuất khẩu, thị trường nội địa cũng có sự tăng trưởng tốt khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trong nước không ngừng tăng.
Ngoài ra, theo đánh giá của DN ngành gỗ hiện đang mở một hướng đi mới để giành lợi thế đó là dùng gỗ công nghiệp. Trước đây Việt Nam phần lớn sản xuất từ gỗ tự nhiên, chỉ có khoảng 5% DN dùng gỗ công nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng dùng gỗ nhân tạo đang được các nước xung quanh khu vực như Thái Lan, Malaysia... ứng dụng để đưa hàng vào Mỹ và châu Âu rất tốt. Đây là bước chuyển hướng triển vọng mà DN Việt Nam cũng đang thực hiện. Hiện Việt Nam đã có những nhà máy sản xuất gỗ nhân tạo rất lớn phục vụ thị trường như nhà máy của Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản ở Long An, nhà máy của liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tập đoàn Dongwha (Hàn Quốc) tại Bình Phước...
Để tăng sức cạnh tranh, ngành gỗ cần chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi ngành chế biến gỗ hoạt động chủ yếu theo mô hình hộ gia đình, DN vừa và nhỏ chưa có sự đầu tư về phát triển sản phẩm, thiếu kỹ năng nghiên cứu thị trường, không có kế hoạch đào tạo cho công nhân nâng cao tay nghề, tiếp cận những kỹ thuật mới…
Theo khảo sát của Trung tâm WTO TP.HCM với 100 DN trong ngành chế biến gỗ về nhu cầu đào tạo, kết quả ban đầu cho thấy đa phần các DN muốn được đào tạo cho quản lý cấp cao về chiến lược phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu phát triển thị trường, kiểm soát nội bộ, pháp luật kinh doanh... Riêng phần đào tạo kỹ thuật, nhiều DN chưa nhận thức được phải nâng cao tay nghề cho bộ phận công nhân- lực lượng tham gia phần lớn trong quy trình sản xuất sản phẩm.
Vì thế để phát triển bền vững ngành gỗ cần chuẩn hóa lại quy trình sản xuất đồ gỗ, thiết kế và sản xuất được những sản phẩm mang thương hiệu Việt, xác định phân đoạn cho ngành trong chuỗi cung ứng để từ đó có thể tập trung cho quy trình sản xuất.
Nguồn:Tin tham khảo