menu search
Đóng menu
Đóng

Lạm phát tại Đức tăng kỷ lục

16:29 08/07/2022

Theo cơ quan thống kê Liên bang Đức (Destatis), tỷ lệ lạm phát của Đức tăng cao, khoảng 7,9% vào tháng 5/2022 so với tháng 5 năm 2021 và tăng 0,9% so với tháng 4 năm 2022. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất và tương đương với mức lạm phát vào năm 1973/1974 sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ.
Nguyên nhân của mức lạm phát kỷ lục này là do cuộc chiến Ukraine – Nga và giá năng lượng tăng cao. Một yếu tố khác là do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Giá năng lượng tăng 38,3%
Giá sản phẩm năng lượng trong tháng 5 năm 2022 cao hơn 38,3% so với tháng 5/2021, sau khi tăng 35,3% vào tháng 4 năm 2022. Giá dầu sưởi tăng gần gấp đôi (+ 94,8%). Giá khí đốt tự nhiên ( + 55,2%) và giá nhiên liệu động cơ (+ 41,0%) tăng đáng kể. Mức tăng giá của các sản phẩm năng lượng khác cũng cao hơn tỷ lệ lạm phát chung một cách rõ rệt, chẳng hạn như giá nhiên liệu rắn (+ 33,4%) và điện (+ 21,5%).
Việc tăng giá các sản phẩm năng lượng là do một số yếu tố: Ngoài các tác động liên quan đến chiến tranh và khủng hoảng, việc tăng phí CO2 từ 25 euro lên 30 euro cho mỗi tấn CO2, đã có hiệu lực vào đầu năm, cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng cao.
Giá thực phẩm tăng 11%
Giá lương thực tăng 11,1% vào tháng 5 năm 2022, sau mức tăng 8,6% vào tháng 4 năm 2022. Việc tăng giá được ghi nhận đối với tất cả các nhóm thực phẩm: dầu mỡ ăn được tăng đáng kể (+ 38,7%), giá thịt và các sản phẩm từ thịt (+ 16,5%), các sản phẩm từ sữa và trứng (+ 13,1%) cũng như bánh mì và ngũ cốc (+ 10,8%).
Giá hàng hóa tăng 13,6%
Giá cả hàng hóa (tổng cộng) đã tăng 13,6% vào tháng 5 năm 2022. Mức tăng giá mạnh không chỉ được ghi nhận đối với năng lượng và thực phẩm mà còn các mặt hàng khác như xe cộ (+ 9,1%), thiết bị xử lý thông tin (+ 8,0%), đồ nội thất và thiết bị chiếu sáng (+ 7,4%). Giá cả của hàng tiêu dùng không lâu bền (tổng cộng), còn được gọi là hàng tiện lợi, tăng 17,9%. Giá hàng hóa tiêu dùng lâu bền đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Giá dịch vụ tăng 2,9%
Giá của các dịch vụ (tổng cộng) đã tăng 2,9% vào tháng 5 năm 2022. Giá thuê ròng không bao gồm chi phí sưởi ấm tăng 1,7% (tháng 4 năm 2022: + 1,6%). Giá viễn thông giảm (-0,9%) và dịch vụ của các cơ sở xã hội (-2,5%). Tuy nhiên, nhìn chung, giá của hầu hết các dịch vụ đều tăng, bao gồm bảo dưỡng và sửa chữa nhà ở và các tòa nhà dân cư (+ 12,1%) và phương tiện đi lại (+ 6,1%).
Lạm phát khiến người tiêu dùng phải đối mặt với mức giá tăng cao, do đó sức mua giảm. Các nhà phân tích dự đoán, toàn châu Âu sẽ chứng kiến tỷ lệ lạm phát trung bình là 6% vào năm 2022.
Chính phủ Đức đang lên kế hoạch đưa ra một loạt các chính sách giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, đặc biệt đối với việc tăng giá năng lượng, như: Ưu đãi vé tháng các phương tiện công cộng xuống 9 eur/tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2022 (giá vé chưa giảm là 86eur/tháng); Giảm giá nhiên liệu tại các trạm xăng với mức giảm là 29,55 cent/lít đối với xăng và 14,04 cent/lít đối với dầu diesel. Việc giảm này tương đương với khoảng 3 tỷ eur (3,23 tỷ USD) tiền thuế đóng vào kho bạc nhà nước Đức. Ngoài ra, người tiêu dùng phải thay đổi thói quen chi tiêu để đối phó với tìnhh hình giá cả tăng cao ví dụ thay đổi phương tiện đi lại (bằng xe đạp hoặc bus), mua sắm tại các cửa hàng giảm giá, sử dụng đồ của các thương hiệu giá rẻ hơn…
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Đức