Từ ngày 1/7/2016, chính phủ Úc bắt đầu áp dụng Tiêu chuẩn Thông tin nhãn mác thực phẩm quốc gia xuất xứ 2016 (Country of Origin Food Labelling Information Standard 2016). Tiêu chuẩn Thông tin sẽ yêu cầu việc dán nhãn mới cho hàng thực phẩm, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin về nơi sản xuất, chế biến của các loại thực phẩm.
Hệ thống nhãn mới cho thực phẩm tại Úc đơn giản và dễ hiểu, cung cấp thông tin về nguồn gốc thực phẩm gần như lập tức cho người tiêu dùng ngay lúc họ nhìn thấy món hàng, giúp người tiêu dùng có những thông tin cần thiết và rõ ràng ngay khi đưa ra quyết định mua chúng.
Bên cạnh thông tin thức ăn được sản xuất, nuôi trồng, làm ra hay đóng gói ở đâu, hệ thống nhãn dán trên thực phẩm mới còn cho biết rõ bao nhiêu phần trăm nguyên liệu trong món hàng xuất xứ từ nước Úc.
Có một số loại nhãn như sau:
Grown in Australia: Thường thấy nhãn này trên các loại thức ăn tươi sống, là thực phẩm được nuôi, trồng, sản xuất ở Úc, và các thành phần trong đó 100% ở Úc.
Product of Australia: Đây là thực phẩm có 100% thành phần được nuôi trồng tại Úc, và được chế biến, đóng gói ở Úc.
Made in Australia: Loại sản phẩm dán nhãn này phải có ít nhất 70% thành phần được sản xuất, chế biến và đóng gói tại Úc. Tất cả những thực phẩm chỉ xắt ra, vô hộp, hay tái đóng gói tại Úc từ các nguồn nhập cảng từ 1/7/2016 sẽ không còn được dán nhãn hiệu “Made in Australia”.
Packed in Australia: Thực phẩm có ít hơn 70% thành phần có xuất xứ từ Úc sẽ dán nhãn này, và để rõ số phần trăm nguyên liệu trong đó đến từ hay được chế biến ở Úc.
Imported goods: Hàng nhập khẩu và Úc bán phải để nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Chỉ có ba loại sản phẩm đầu tiên được in hình con chuột túi.
Trừ loại hàng nhập khẩu hoàn toàn, những sản phẩm còn lại, bên ngoài chữ và số, còn có hình cây thước thể hiện tỉ lệ phần trăm thành phần có nguồn gốc từ Úc.
Hệ thống nhãn mới áp dụng cho các loại thực phẩm bán lẻ ở Úc, thực phẩm đóng gói do đại lý bán buôn phân phối, và nhiều loại thực phẩm không đóng gói khác. Thức ăn bán trong các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng, và trường học là ngoại lệ.
Điều thay đổi chính là đa số thực phẩm đóng gói, nhập khẩu vào Úc bây giờ phải có ghi chi tiết quốc gia xuất xứ trong khung riêng biệt rõ ràng trên nhãn mác.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm ở Úc bắt đầu áp dụng hệ thống nhãn mới từ ngày 1/7/2016. Nhưng chính phủ Úc cho phép hai năm chuyển tiếp, cho phép các doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi với sự thay đổi. Như vậy, đến ngày 1/7/2018, các qui định về dán nhãn mới sẽ bắt đầu được áp dụng chính thức. Khi đó, thực phẩm nhập khẩu vào Úc phải có nhãn mác theo đúng các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thông tin hoặc sẽ bị phạt. Tuy nhiên, sản phẩm thực phẩm nào còn nhãn cũ vào cuối giai đoạn chuyển tiếp vẫn có thể được bán cho đến hết thời hạn sử dụng.
Nếu thực phẩm nhập khẩu không thể kê khai là đã được nuôi trồng, sản xuất hoặc chế biến tại một nước duy nhất, thực phẩm này phải ghi chi tiết “đóng gói tại” chứ không được ghi “chế biến tại”. Chi tiết này phải nằm trong khung riêng biệt rõ rang, trừ khi thực phẩm nhập khẩu là thực phẩm không ưu tiên. Điều này có nghĩa là nhãn mác phải xác định quốc gia nơi thực phẩm đã được đóng gói và chỉ ra rằng thực phẩm từ nhiều nguồn gốc, hoặc từ nguyên liệu nhập khẩu (ví dụ đóng gói tại Việt Nam từ nguyên liệu nhập khẩu).
Từ ngày 1/7/2018, tất cả các loại thực phẩm, trừ thực phẩm không ưu tiên phải có nhãn mác mới.
Thực phẩm không ưu tiên không bị yêu cầu phải sử dụng hình kangaroo trên logo hay hình cây thước thể hiển thị tỷ lệ phần trăm của các thành phần từ Úc, nhưng vẫn sẽ phải có chi tiết quốc gia xuất xứ, nhưng chi tiết này không cần phải nằm trong khung riêng biệt rõ ràng.
Các thực phẩm không ưu tiên bao gồm:
Gia vị
Bánh kẹo
Bánh qui và các loại thức ăn vặt (snack foods)
Nước đóng chai
Nước uống thể thao, nước giải khát
Trà và cà phê
Đồ uống có cồn
Bánh kẹo có hình thù lạ mắt ví dụ như trứng lễ phục sinh và hộp đựng quà lễ phục sinh
Mật ong còn ở nguyên dạng, trong khung chứa lấy mật
Cá trích muối hun khói
Thương vụ Việt Nam tại Australia
Nguồn: Vietnamexport.com