menu search
Đóng menu
Đóng

Giới thiệu Công ty TNHH Dệt Phú Đông

08:31 08/09/2015

Trước khi tiến hành sản xuất sạch hơn (SXSH), vấn đề nhà máy thường xuyên gặp phải là ô nhiễm môi trường do nước thải và khí thải. Để giải quyết vấn đề này, năm 2009, nhà máy đã tiếp cận hợp phần SXSH trong công nghiệp của Bộ Công Thương.

Công ty TNHH Dệt Phú Đông được thành lập từ năm 2006, chuyên sản xuất các sản phẩm vải mộc và mắc hồ theo nhu cầu của thị trường. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ nội địa các tỉnh miền Trung, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 40% xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Với 70 cán bộ công nhân viên, hàng năm nhà máy sản xuất được 5,000,000 mét trục hồ và 1,000,000 mét vải mộc.

Trước khi tiến hành SXSH, vấn đề nhà máy thường xuyên gặp phải là ô nhiễm môi trường do nước thải và khí thải. Nước thải của công ty vượt quá giới hạn cho phép của TCVN 5945-2005: COD (140.5 mg/l) vượt 2.8 lần, BOD5 (73 mg/l) vượt 2.43 lần và TSS (132 mg/l) vượt 2.64 lần. Khí thải của công ty chủ yếu phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu vận hành lò hơi. Hàm lượng CO (1,264 mg/m3) trong khí thải vượt 1.2 lần so với TCVN. Để giải quyết vấn đề này, năm 2009, nhà máy đã tiếp cận Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của Bộ Công Thương.

Được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Công ty đã thực hiện đánh giá SXSH trong năm 2009. Trong giai đoạn đầu (từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2010), Công ty thành lập Đội Sản xuất sạch hơn do ông Đoàn Xuân Tịnh - Giám đốc Công ty làm đội trưởng và 6 thành viên để tiến hành đánh giá SXSH toàn bộ dây chuyền sản xuất. Sau khi đánh giá quá trình sản xuất, xác định các dòng chất thải, đội SXSH tiến hành cân bằng các dòng vật chất và năng lượng của dây chuyền sản xuất. Toàn bộ số liệu thu thập được phục vụ việc phân tích để xác định các giải pháp SXSH cho từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất.

Sau khi tiến hành đánh giá SXSH, xác định các giải pháp cải tiến, Công ty đã thực hiện 09 giải pháp quản lý nội vi không tốn chi phí và chi phí thấp với tổng giá trị đầu tư là 50 triệu đồng và đã giảm suất tiêu thụ nhiên liệu và điện tương ứng là 20% và 3,4%, tiết kiệm 230 triệu đồng. Sang giai đoạn 2 (từ tháng 3/2010), Công ty cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp đầu tư lớn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề môi trường nổi cộm và được CPI hỗ trợ 2 tỷ đồng để lắp đặt nồi hơi nằm 3 pass có hiệu suất cao; nâng cấp, sửa chữa máy hồ; lắp đặt máy nối sợi tự động; thiết bị hút bụi và lọc bụi khu vực mắc sợi và hồ sợi nhằm cải thiện môi trường làm việc. Hiệu quả đem lại từ các giải pháp này là tiết kiệm được 1.2 tỷ đồng từ việc giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu và cắt giảm chi phí xử lý môi trường.

Nhận thấy các lợi ích từ hoạt động SXSH, Công ty quyết định duy trì hoạt động của đội SXSH và lồng ghép các hoạt động SXSH vào hệ thống quản lý chung của Doanh nghiệp. Nhằm tạo thuận lợi cho quá trình này, một hệ thống quản lý môi trường đơn giản được thiết lập. Công ty cũng đã thiết lập một chính sách môi trường trong đó quy định nghiêm chỉnh chấp hành luật Bảo về môi trường và các quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu các nguồn phát sinh chất thải. Công ty đã tích hợp hệ thống quản lý trong quá trình sản xuất với hệ thống quản lý môi trường, qua đó việc tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu được giám sát với các chỉ tiêu ô nhiễm trong các dòng thải. Một hệ thống mẫu và thủ tục pháp lý cũng được xây dựng và áp dụng cho việc thu thập số liệu môi trường, kiểm tra, phân loại và phân tích số liệu.

Kế hoạch giám sát môi trường đã được triển khai. Mục tiêu là quan trắc những cải tiến đáng kể từ việc áp dụng các giải pháp SXSH hoặc điều chỉnh ngay nếu kết quả cho thấy một vài lợi ích môi trường bị giảm. Hệ thống giám sát môi trường bao gồm giám sát chất lượng không khí và nước thải.

SXSH không chỉ mang lại lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải, giảm lượng nước tiêu thụ, mà còn giúp nhà máy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín. Các giải pháp SXSH đã được thực hiện tại Công ty là các ví dụ điển hình cho các Doanh nghiệp trong ngành dệt tại Việt Nam.

Nguồn: Phòng Thông tin Công nghiệp/Vitic-sxsh