Dây chuyền sản xuất mắc - hồ sợi - tẩy nhuộm đều sử dụng công nghệ trong nước sản xuất đã lạc hậu. Cơ sở sản xuất lại nằm trong khu dân cư đông đúc, diện tích chất hẹp không đảm bảo môi trường. Công ty đã chọn giải pháp di chuyển cơ sở sản xuất đến Cụm công nghiệp Tây An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nhằm mở rộng sản xuất, triển khai các giải pháp sạch hơn một cách triệt để. Trong quá trình thay đổi máy móc thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu sản xuất mới công ty gặp một số khó khăn nhất định đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Hiểu được những khó khăn đó, Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (C.P.I) đã hỗ trợ cho công ty 50% số vốn đầu tư, đây là điều kiện thuận lợi để Nam Hưng tổ chức thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Theo ông Trịnh Trần Văn Liên - Giám đốc Công ty Nam Hưng cho biết: “Khi nhận được sự giúp đỡ của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, bên cạnh các giải pháp về đầu tư chúng tôi đã chủ động nâng cao ý thức và trách nhiệm của đội ngũ CBCNV trong vận hành và sản xuất. Ban giám đốc công ty đã chủ động, mạnh dạn đầu tư 42 triệu đồng để cải tiến và thay đổi, thực hiện các giải pháp do cán bộ trung tâm sản xuất sạch tư vấn với bộ phận kỹ thuật của công ty (bao gồm 17 giải pháp sản xuất sạch hơn) như: Bảo ôn đường ống dẫn hơi nóng và thiết bị nhiệt; điều chỉnh dây curoa chùng, trang bị các động cơ có sử dụng biến tần để tiết kiệm điện năng, lắp đặt composit lấy ánh sang thay thế bóng đèn trong sản xuất cùng với đó là thường xuyên bảo dưỡng các động cơ… Những cải tiến hợp lý đã giúp tiết kiệm lượng năng lượng đáng kể, DN tiết kiệm được 234m3 củi/1 năm do hạn chế thất thoát nhiệt ở đường ống dẫn hơi, 9.950KWh điện/năm và 140m3 nước/năm”.
Từ những thành quả trên, C.P.I đã xem xét, giúp đỡ, tư vấn và tài trợ cho DN 4 hạng mục của công trình sản xuất sạch hơn đó là: Xây dựng nhà lò hơi và Đài nước cấp lò hơi; Thay mới lò hơi; Thay đổi thiết bị; Xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý bụi bông và nước thải sản xuất. Tổng giá trị đầu tư: 3.997.000.000 đồng trong đó nguồn vốn do C.P.I tài trợ là 2.000.000.000 đồng, thời gian thực hiện đầu tư từ tháng 12/2008 đến tháng 7/2009 hoàn thành. Tuy nhiên, do công tác di chuyển nhà máy sản xuất sang khu công nghiệp, đồng thời lại vừa trải qua cơn bão số 9 khốc liệt cho nên đến giữa tháng 10 công ty mới chính thức đi vào sản xuất tại địa điểm mới với đầy đủ hệ thống xử lý khói, bụi, nước thải cũng như các giải pháp đồng bộ nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Liên thì trong thời gian xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Tân An, công ty đôi lúc gặp phải khó khăn nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua, tuy nhiên vì lợi ích lâu dài của DN và của cộng đồng xã hội trước vấn đề ô nhiễm môi trường công ty đã cố gắng nỗ lực hết mình, nhờ vậy đến nay đã từng bước ổn định và đi vào sản xuất.
Có thể thấy, thành công của dự án này không chỉ là giải quyết vấn đề vốn đầu tư cho các DN mà quan trọng hơn cả là phải thay đổi nhận thức của chủ DN cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ các cấp chính quyền tại địa phương. Từ thành công của Nam Hưng cùng một số DN khác trên địa bàn, nhiều DN đã chủ động làm việc với Sở Công Thương Quảng Nam để được tham gia vào chương trình của Hợp phần sản xuất sạch hơn. Điều này cho thấy sự chuyển đổi về nhận thức của các DN đặc biệt là các DN vừa và nhỏ trong quá trình xây dựng phát triển DN theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường./.
Nguồn: Phòng Thông tin Chính Sách Công Thương/Vitic-KTVN