menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiều doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

05:00 09/09/2015

Sở Công thương Nghệ An phối hợp với nhiều chuyên gia tư vấn của Bộ Công Thương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều cuộc tập huấn, hội thảo về chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.
Chương trình đã giúp nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý hiểu rõ lợi ích và phương pháp áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) mang lại hiệu quả thiết thực. Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp áp dụng các giải pháp quản lý nội vi về sản xuất sạch hơn.

Nhà máy tinh bột sắn Intimex Thanh Chương, chuyên sản xuất tinh bột sắn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, có tổng số vốn ban đầu 56,9 tỷ đồng được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2004. Hiện nay, nhà máy có công suất 180 tấn/ngày. Được sự giúp đỡ của CPI, nhà máy đã áp dụng hai giải pháp đầu tư: xây dựng phân xưởng sản xuất phân vi sinh từ vỏ, cùi sắn; xây dựng hệ thống sấy vắt bã liên hoàn. Bên cạnh đó, nhà máy cũng đầu tư giải pháp xây dựng hệ thống xử lý nước thải biogas để phát điện nhằm tiết kiệm năng lượng và giải quyết ô nhiễm do nước thải. Việc áp dụng SXSH của nhà máy đã giảm nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải. Về kinh tế đã làm lợi cho doanh nghiệp trên 800 triệu đồng/năm.

Công ty TNHH Đức Phong, chuyên sản xuất mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, trong quá trình chế biến tỷ lệ hư hại do mối, mọt là 10%, tương đương 300 tấn tre/năm, với trị giá thiệt hại lên đến 900 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vào mùa mưa, bão, thời tiết ẩm thấp nếu nguyên liệu dự trữ để những nơi không có hệ thống mái che, đậy hàng bị mốc sẽ xuất hiện bụi gây ảnh hưởng đến sức khoẻ công nhân. Bên cạnh đó, Công ty không có các máy móc thiết bị cần thiết như máy chẻ có kích cỡ định hình nên lượng ruột tre bị vứt bỏ không sử dụng được tới 90%; không có phòng phun sơn cách ly nên trong quá trình sơn dung môi độc hại như tôluen, azitilen... bay ra gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đặc biệt là công nhân sản xuất trực tiếp. Được sự giúp đỡ của Bộ Công thương thông qua Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) và tư vấn kỹ thuật của Trung tâm sản xuất sạchViệt Nam (VNCPC) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty, lợi ích thu được trong hơn một năm đạt trên 5 tỷ đồng. Đặc biệt, giảm thất thoát nguyên liệu và giảm bụi phát tán ra môi trường xung quanh.

Công ty cổ phần mía đường sông Con, chuyên sản xuất đường kính trắng phục vụ thị trường cả nước, với công suất hiện nay 1.600 tấn mía/ngày, sản lượng đường vụ 2010 - 2011 là 28.810 tấn/năm. Được sự hỗ trợ của CPI, Công ty áp dụng chương trình SXSH như: sử dụng lượng bùn thải làm phân vi sinh cung cấp cho vùng nguyên liệu và bán ra thị trường; lắp hệ thống hút và xử lý khí SO2 trong xưởng sản xuất; hệ thống xử lý nước thải và xây dựng hệ thống tuần hoàn nước làm mát, với tổng vốn đầu tư 15,2 tỷ đồng, đã đem lại nhiều lợi ích cho Công ty. Lợi ích kinh tế thu được từ việc giảm định mức sản xuất tăng theo từng năm và tổng đạt xấp xỉ 6,1 tỷ đồng sau hai năm (2010 - 2011) triển khai áp dụng.

Công ty CP giấy Sông Lam là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bột giấy, giấy...phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, với công suất sản xuất giấy Kraft 10.000 tấn/năm. Sản xuất giấy lâu nay vẫn được xem là một ngành nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng . Dưới sự trợ giúp của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI), từ năm 2009, công ty đã đưa ra 29 giải pháp xử lý nội vi và 5 giải pháp đầu tư trong quá trình sản xuất. Sự hỗ trợ từ Hợp phần SXSH trong công nghiệp, đã đem lại nhiều lợi ích cho công ty. Đặc biệt hợp phần SXSH trong công nghiệp tại Công ty cổ phần giấy Sông Lam đã giảm phát thải nhà kính (tính theo C02), gần bằng 559 tấn C02/năm, bình quân mỗi năm làm lợi cho công ty trên 1 tỷ đồng. Những giải pháp SXSH, không chỉ thu được lợi nhuận đáng kể mà còn đảm bảo môi trường sản xuất bền vững, đảm bảo sức khoẻ cho công nhân và cộng đồng dân cư....

Để chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được tiếp tục triển khai sâu rộng, tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Công thương và các doanh nghiệp phấn đấu trong thời gian tới có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh được phổ biến và áp dụng SXSH, đồng thời được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện. Đối với các doanh nghiệp được áp dụng SXSH, giảm nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu, năng lượng và nước) 10%, giảm 20% tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm, giảm chất thải 10% trong một số công nghiệp nói chung và cụ thể trong một số ngành như chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, thực phẩm...; 100% doanh nghiệp và các cấp quản lý được tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất sạch hơn. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo áp dụng SXSH vào sản xuất, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường. Về phía doanh nghiệp, từ nay việc triển khai áp dụng SXSH trong sản xuất vừa là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp vì một môi trường xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.

Nguồn: Phòng Thông tin Chính Sách Công Thương/Vitic- tinmoitruong.vn