menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu gạo: Tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh

08:58 07/03/2017

Tình hình xuất khẩu (XK) gạo năm 2017 được đánh giá sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi nguồn cung dồi dào.
Tuy vậy, một số mặt hàng vẫn có tăng trưởng XK tương đối cao. Theo các chuyên gia, đầu tư cho các chủng loại có thế mạnh là giải pháp giúp XK gạo vượt qua khó khăn.
Nhiều loại gạo được ưa chuộng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2016, trong khi hầu hết các chủng loại gạo XK đều tăng trưởng âm thì lượng XK gạo nếp đã đạt tới 1,02 triệu tấn, chiếm 20,9% tỷ trọng XK của toàn ngành và tăng trên 96% so với năm 2015. Bên cạnh sản lượng XK tăng mạnh, giá gạo nếp XK bình quân năm 2016 cũng đạt tới 501 USD/tấn, tăng 36 USD/tấn so với năm 2015 và là loại gạo có giá trị XK tăng mạnh nhất so với các chủng loại gạo khác.
Năm 2017, kim ngạch XK gạo nếp được dự báo sẽ tăng lên khi nhu cầu sản phẩm này tại thị trường Trung Quốc vẫn khá lớn. Hiện đã có 22 doanh nghiệp (DN) được cấp phép XK gạo vào Trung Quốc khi bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và gạo nếp là một trong những sản phẩm có thế mạnh của các DN này.
Theo VFA, năm 2017, kim ngạch XK gạo của nước ta sẽ tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2016, đạt khoảng 5 triệu tấn.
Bên cạnh gạo nếp, sản lượng gạo Japonica XK năm 2016 cũng tăng trưởng tương đối mạnh, đạt trên 158.000 tấn, chiếm 3,24% tỷ trọng XK toàn ngành, tăng 137% so với năm 2015. Theo VFA, nhu cầu nhập khẩu gạo Japonica trên thế giới không lớn, chỉ khoảng 900.000 tấn vì hầu hết những nước sử dụng gạo Japonica đều tự sản, tự tiêu loại gạo này. Nhưng gạo Japonica của Việt Nam vẫn có tiềm năng nhất định ở những thị trường nhỏ.
Ngoài ra, trong khi phân khúc thị trường gạo chất lượng trung bình bị cạnh tranh gay gắt giữa nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ thì gạo thơm chất lượng cao được dự báo vẫn có tiềm năng lớn trong năm 2017. VFA phân tích, thế mạnh của gạo thơm Jasmine Việt Nam là giá chỉ khoảng 600 USD/tấn, thấp hơn khá nhiều so với con số 800 USD/tấn gạo cùng loại của nhiều thị trường khác. Đây là yếu tố quan trọng giúp gạo thơm Việt Nam cạnh tranh được tại nhiều thị trường, đặc biệt là khu vực có nhu cầu lớn về lượng và cần sự cạnh tranh về giá như châu Phi.
Cần đầu tư bài bản
Mặc dù có kim ngạch XK duy trì đều đặn nhưng hiện các loại gạo thơm, gạo nếp chất lượng của Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 30% sản lượng gạo XK mỗi năm. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, khó khăn của XK gạo không chỉ bởi nhu cầu thế giới dư thừa mà còn đến từ nguyên nhân bên trong khi chỉ có 10% số DN XK đầu tư bài bản để có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quản lý được đầu ra. Còn lại, hầu hết các DN XK vẫn thu mua qua thương lái. Trong bối cảnh XK gạo khó khăn như hiện nay, nếu không chủ động đầu tư vào vùng nguyên liệu chất lượng cao, đồng thời kiểm soát chất lượng gạo, từ giống lúa đến dư lượng thuốc trừ sâu thì DN XK sẽ còn gặp khó khăn.
GS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia lúa gạo - cho hay, để có gạo chất lượng cao, phải học hỏi cách làm của Campuchia. Campuchia làm được vì họ tập trung vào công nghệ hiện có, tuyển chọn giống lúa, rồi cho các DN vay tiền để trang bị máy móc thiết bị sản xuất, chế biến gạo. Bên cạnh đó, giống lúa của Campuchia phải sau 5-6 tháng mới thu hoạch, không cần bón nhiều phân, nhưng năng suất đạt 3-3,5 tấn/vụ, hạt gạo phẩm cấp rất cao. Việt Nam cũng cũng phải tập trung đầu tư cho các giống lúa như vậy để có được hạt gạo ngon, chất lượng tốt chứ không phải chạy theo sản lượng như hiện nay. Lúa chất lượng cao, nhà máy chế biến hiện đại thì sẽ có gạo tốt và bán tốt.
Nguồn: baocongthuong.com.vn