menu search
Đóng menu
Đóng

Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị trường phía nam

10:38 21/06/2016

Ngày 20/6 tại TPHCM, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và TPHCM tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh, thành phía nam.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm nay, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 30.000 ha, sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm khoảng 65.000 tấn so với năm 2015. Ngoài ra, hơn 12.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản lượng khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

Tại Hải Dương, tổng diện tích trồng vải toàn tỉnh khoảng 11.000 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 36.000 tấn, giảm gần 30% so với năm 2015. Tỉnh đã xây dựng được 36 mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 252 ha; ngoài ra còn có trên 2.000 ha vải trồng theo quy trình VietGAP cho sản lượng khoảng 10.000 tấn.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Bắc Giang và Hải Dương, mặc dù sản lượng vải thiều năm nay giảm do ảnh hưởng của thời tiết không thuận hồi đầu năm, tuy nhiên chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước do người trồng tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Bên cạnh việc xác định duy trì, giữ vững và ổn định thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa luôn được lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xác định là trọng điểm, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM và các tỉnh phía nam tiếp tục đươc duy trì, thông qua hệ thống các chợ đầu mối, các DN phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại...

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TPHCM) cho biết đơn vị đang tích cực kết nối giao thương giữa người mua và bán, tạo điều kiện tốt nhất về kho bãi góp phần tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ trái vải tại khu vực phía nam.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng khẳng định Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa trái vải vào tiêu thụ tại Thành phố cũng như khu vực phía nam.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM sẽ đứng ra làm đầu mối gắn kết với hệ thống siêu thị để đưa quả vải vào tiêu thụ.

Sở Công Thương TPHCM đề nghị tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Từ đó, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu nhằm tạo sự khác biệt cho sản phẩm.

Nguồn: Lê Anh/Chinhphu.vn