Ngày 14/3, tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mỹ Latinh diễn ra ở thành phố Sao Paulo, Tổng thống Brazil Michel Temer cho biết Brazil muốn có một giải pháp hoà giải cho vấn đề này. Song Ông Temer cũng không loại trừ việc Brazil có thể kháng cáo quyết định của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Số liệu chính thức của Brazil cho thấy nước này đã xuất sang thị trường Mỹ 4,7 triệu tấn thép với trị giá 2,6 tỷ USD trong năm 2017.
Cũng trong ngày 14/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ cố gắng đảm bảo được miễn trừ trong kế hoạch đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ. Đồng thời bà Merkel nhận định rằng chủ nghĩa bảo hộ không phải là cách tiếp cận đúng đắn đối với thương mại quốc tế.
Thủ tướng Đức cho rằng phản ứng tốt nhất của EU trong trường hợp này là trước hết thiết lập một mặt trận thống nhất, sau đó là tiến hành đàm phán với Mỹ. EU hy vọng sẽ được miễn trừ trong kế hoạch thuế trên của Mỹ, nhưng khối này có thể sẽ tìm đến WTO và áp dụng các biện pháp trả đũa nếu Washington kiên quyết tiến hành kế hoạch này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng EU và Mỹ cần nối lại đàm phán Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vốn bị đình trệ giữa hai bên. Hai bên có thể tìm cách giảm bớt những rào cản thương mại song phương, thay vì đối mặt với rủi ro từ một cuộc chiến tranh thương mại.
Trong một diễn biến có liên quan, các nhà phát triển đường ống năng lượng của Mỹ cho biết họ đang cố gắng tìm cách được miễn trừ khỏi kế hoạch áp thuế của Chính quyền Tổng thống D.Trump. Nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp trong ngành năng lượng Mỹ lo ngại kế hoạch nâng thuế nhập khẩu nhôm và thép của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy tăng 3-10% chi phí thực hiện các dự án lớn được thiết kế với mục tiêu nâng sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ.
Theo một số chuyên gia, chính sách thuế quan mới có khả năng “phá hỏng” nhiều dự án đường ống dẫn dầu, giàn khoan dầu, cũng như các nhà máy lọc dầu mới,... trong thời gian tới. Giám đốc điều hành (CEO) Andy Black của Hiệp hội các nhà sản xuất ống dẫn dầu Mỹ (AOPL) cũng cho hay, chi phí cho thép chuyên dụng cần thiết để xây dựng các đường ống dẫn xăng dầu sẽ tăng lên.
Ngành năng lượng Mỹ phụ thuộc nhiều vào thép nhập khẩu - nguyên liệu được sử dụng trong các thiết bị khoan, đường ống dẫn, hệ thống kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các nhà máy lọc dầu. Theo ông Jack Gerard, Chủ tịch Viện Dầu mỏ Mỹ (API), kế hoạch nâng thuế nhập khẩu áp lên nhôm và thép của Tổng thống D.Trump mâu thuẫn với mục tiêu phục hồi ngành năng lượng và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới mà chính phủ đưa ra.
Nguồn: Baotintuc.vn