Trong thời gian cuối những năm 1990 ước tính có tới 30-35% sản lượng vải của Úc được xuất khẩu, tức là khoảng 700 đến 1.000 tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu đã giảm mạnh kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 và hạn chế kiểm dịch đã được đặt ra cho trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc. Hiện nay, theo ước tính của Hiệp hội những người trồng vải của Úc, kim ngạch xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn 500-600 tấn mỗi năm. Nếu vải có thể thâm nhập lại thị trường Trung Quốc thì có thể đạt được mục tiêu mở rộng thị trường của ngành vải Úc.
Tuy là một ngành nhỏ với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu không đáng kể so với các ngành hoa quả khác nhưng ngành trồng vải của Úc vẫn hoạt động khá bài bản.
Chính phủ Úc đánh thuế đối với các hoạt động trồng, sản xuất và xuất khẩu vải, cụ thể như sau:
+ Vải tươi: 8 cent/kg
+ Chế biến vải: 1 cent/kg
+ Xuất khẩu vải: 8 cent/kg
Các khoản thuế này sẽ được dùng để tài trợ cho mục đích nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chương trình an toàn sinh học, và các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho ngành.
Chọn giống là một trong những ưu tiên tài trợ của Chính phủ Úc. Hiện nay, có 8 giống vải đang được trồng tại Úc có hạt nhỏ, có thể bán giá cao và giống vải thu hoạch sớm của Bắc Queensland.
Một số giống mới đang tiếp tục được chọn thông qua Chương trình chọn giống do ngân sách Chính phủ và ngành vải tài trợ, cộng thêm việc nhập khẩu giống cây tốt từ nước ngoài trong đó có giống vải không hạt. Các giống mới ở trong nước đang được Hiệp hội những người trồng vải (ALGA) trồng thử, do Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang (CSIRO) cung cấp hạt giống.
Tiếp thị trong nước và thúc đẩy xuất khẩu cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành.
Vải được phân phối phần lớn tại thị trường trong nước thông qua hai nhóm tiếp thị. Nhóm thứ nhất có tên là United Lychee Marketing Authority – ULMA, có thương hiệu vải là “Sun Lychee” Đây là một liên minh những người trồng vải ở tất cả các vùng, số lượng thành viên và mức độ ảnh hưởng của nhóm này đang ngày càng tăng lên. Nhóm thứ hai có tên là Top Crop, hoạt động ở vùng phía Bắc Queensland.
Toàn bộ vải xuất khẩu của Úc được tiêu thụ bằng tên gọi là “quả vải tươi” do vận chuyển bằng đường hàng không, bằng thùng giữ lạnh. Vải của Úc có lợi thế hơn so với các sản phẩm của nước khác do mùa thu hoạch kéo dài và không trùng với mùa thu hoạch của các nước trồng vải lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… Vải của Úc có năng suất cao và được đánh giá là cao cấp do chất lượng sạch, không sử dụng hoá học trong trồng trọt và bảo quản.
Dù là một ngành nhỏ nhưng Úc có Hiệp hội những người trồng vải hoạt động khá hiệu quả. Hiệp hội đã xây dựng Chiến lược đầu tư và Chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu trái vải của Úc, trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2017, Úc sẽ xuất khẩu 50% tổng sản lượng.
Hiệp hội cũng tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu về thị trường như thói quen tiêu dùng, đối tượng tiêu dùng, khuynh hướng tiêu dùng và tiêu thụ trái vải để từ đó xây dựng chiến dịch quảng bá, tiếp thị cũng như cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ, Hiệp hội này đang nghiên cứu để đưa vào áp dụng một hộp đựng vải có nắp nhựa mới. Hộp này được dùng để hạn chế tình trạng mất nước và giữ cho vỏ có màu đỏ lâu hơn. Hiệp hội cũng đang có một Chiến dịch quảng bá tiếp thị khẩu hiệu được đưa ra là “Live it up with Lychees”.
Qua đây có thể thấy, mặc dù đây là một ngành nhỏ, sản lượng xuất khẩu không đáng kể nhưng Chính phủ vẫn quản lý và khuyến khích phát triển một cách hợp lý nhằm đưa ra thị trường một sản phẩm với chất lượng hoàn hảo và mỗi sản phẩm xuất khẩu của Úc đều đảm bảo được chất lượng và thương hiệu, từ đó các sản phẩm nông nghiệp của Úc thường được bán giá cao trên thị trường nước ngoài.
Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Úc