Kể từ khi Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda lên nắm quyền hồi năm 2013, ngân hàng này đã nỗ lực giảm lãi suất dài hạn để kích thích tiêu dùng và đầu tư.
Hồi tháng 9/2016, BoJ cũng đã triển khai chính sách “kiểm soát đường cong lợi suất” nhằm giữ lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
Trong khi khả năng chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ có thể tiếp tục nới rộng, đồng yen đã giảm hơn 10% giá trị so với đồng USD kể từ khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11.
Nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ tin cậy, ngày 10/2/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thực hiện chuyến thăm Mỹ và tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản Abe sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump tại thủ đô Washington.
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề như hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, chính sách tiền tệ, kế hoạch mở rộng hợp tác kinh tế thương mại-đầu tư trị giá tới 17.000 tỷ yen (tương đương 150 tỷ USD) và kế hoạch “Sáng kiến tăng trưởng và việc làm Mỹ-Nhật” gồm các gói hợp tác kinh tế trong 5 lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng tiên tiến nhất thế giới tại Mỹ, tạo ra nhu cầu về cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới, nghiên cứu và phát triển robot và trí tuệ nhân tạo, hợp tác trong các lĩnh vực không gian và mạng, hợp tác về việc làm và quốc phòng.
Kế hoạch đầy tham vọng này ước tính có thể tạo thêm 700.000 việc làm mới tại Mỹ, trong đó có 650.000 việc làm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Trong một thông tin liên quan tới kinh tế Nhật Bản, kết quả khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy chỉ số niềm tin trong lĩnh vực dịch vụ của nước này trong tháng 1/2017 đã giảm lần đầu tiên trong 7 tháng qua.
Trong khi đó, giá trị đơn đặt hàng máy móc ở khu vực tư nhân nước này trong tháng 12/2016 đã tăng 6,7% so với tháng trước đó, đạt 889,8 tỷ yen (7,9 tỷ USD), qua đó làm tăng hy vọng về xu hướng tiếp tục phục hồi trong lĩnh vực chế tạo.
Nguồn: Vietnamplus.vn