menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật

15:02 14/04/2017

Vinanet - Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết một số nước đã đưa ra các quy định được các doanh nghiệp xuất khẩu xem là rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến xuất khẩu của họ sang những thị trường này.
Cục Thú y cho biết, theo quy định của Chính phủ Úc, tôm xuất khẩu vào thị trường này được phân thành hai loại là tôm chưa qua nấu chín và đã nấu chín. Theo đó, tất cả mặt hàng tôm chưa qua nấu chín phải có nguồn gốc từ quốc gia, lãnh thổ được cơ quan có thẩm quyền của Úc công nhận là sạch các bệnh như đốm trắng, đầu vàng, raura, hoại tử gan do vi khuẩn và bệnh hoại tử gan cấp tính. 
Bên cạnh đó, tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp theo quy định của cơ quan có thẩm quyền để dùng làm thực phẩm cho người. Còn tôm đã được nấu chín, phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xuất khẩu rằng đây là sản phẩm phù hợp làm thực phẩm cho người, được kiểm soát trong quá trình chế biến và không có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm. Như vậy, cũng một sản phẩm tôm nhưng chưa qua nấu chín sẽ do phía Úc cấp phép, còn tôm đã nấu chín lại do cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu đồng ý. 
Trong khi đó, tại thị trường Hàn Quốc, đối với những mặt hàng thủy sản nuôi hay đánh bắt khi xuất vào thị trường này phải do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, bao gồm cả tôm đông lạnh và ướp lạnh, ngoại trừ tôm bóc vỏ, bỏ đầu; hàu, nhuyễn thể đông lạnh, kể cả hàng xách tay. Cơ quan thẩm quyền của Hàn Quốc sẽ lấy mẫu tự động để kiểm tra sản phẩm có đạt quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hay không. Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 9-4-2017. 
Cũng theo Cục Thú y, thị trường Trung Quốc cũng có những yêu cầu trong việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm các loại mần mầm bệnh trên tôm sú sống vẫn tiếp tục trong tương lai. 
Những thị trường khác như Saudi Arabia, Nga, Brazil, Mehico cũng có những quy định cụ thể cho mặt hàng tôm nhập khẩu vào những quốc gia này. 
Dù các nước áp dụng những quy định làm rào cản kỹ thuật khác nhau nhưng doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải tuân thủ tất cả các quy định của thị trường nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp khi xuất khẩu vào các thị trường khác nhau cần chú ý các quy định này, theo Cục Thý y.
Cục Thú y lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần nắm rõ những quy định của OIE, hay các quy định trong Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gọi tắt là WTO/SPS và của các nước để từ đó, có những kế hoạch xây dựng các sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật của từng thị trường.

Nguồn: Ngọc Hùng/TBKTSG