“Sau khi bỏ áp giá trần, việc quản lý theo chuỗi sẽ là biện pháp cốt lõi trong công tác quản lý giá sữa của cơ quan chức năng” – đây là khẳng định của ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi diễn ra tại Hà Nội ngày 14/4.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết, Chính phủ vừa có văn bản thông báo thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành cơ quan liên quan đã xây dựng Dự thảo về quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá và các văn bản pháp luật có liên quan.
Công tác quản lý giá sữa được thực hiện trên tinh thần doanh nghiệp chính phủ cùng đồng thuận để đáp ứng 3 lợi ích: lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người tiêu dùng và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng. Để tạo ra sự cân bằng, cơ quan chức năng đã có những đối thoại công bằng cởi mở với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối, nhập khẩu, đại diện hiệp hội, sở công thương, eurocham… và ý kiến từ chính những người tiêu dùng.
Về biện pháp quản lý giá mới theo hướng bỏ áp trần, theo ông Quyền, Bộ Công Thương không áp dụng biện pháp mới mà thực hiện theo pháp luật về Luật giá, Luật Quản lý thương mại. “Dừng biện pháp bình ổn thị trường bằng giá trần không có nghĩa là giá sữa không được quản lý nữa mà thực tế trong điều kiện bình thưởng thì sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn thuộc danh mục bình ổn giá. Vì thế, theo quy định của pháp luật liên quan thì vẫn quản lý bằng biện pháp kê khai giá. Việc kê khai giá đã có những Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài Chính, khi tăng giảm giá thế nào và kiểm soát giá vẫn được tiến hành theo chuỗi” - ông Quyền khẳng định.
Cũng theo ông Quyền, để thực tốt việc quản lý giá cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu trên thị trường, bên cạnh đưa ra cơ chế quản lý giá, cơ quan Nhà nước còn có cơ chế kiểm tra, kiểm soát. Việc thực hiện quyền kinh doanh trên thị trường là của doanh nghiệp, quyền phải gắn với trách nhiệm quản lý hệ thống phân phối của mình. Còn Nhà nước sẽ làm công tác kiểm tra hậu kiểm những yếu tố hình thành nên giá, khi có những yếu tố làm thay đổi giá… Việc làm này sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan như: Cục Quản lý thị trường ( Bộ Công Thương), Sở Công Thương các tỉnh, Bộ Y tế, các đơn vị thanh tra... Trong điều kiện bình thường giá sẽ được tuân theo nguyên tắc cạnh tranh đáp ứng cung cầu của thị trường.
Đặc biệt, việc quản lý theo từng chuỗi này sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng đánh giá được giá mức giá cuối cùng - người tiêu dùng có được hưởng lợi hay không? Đồng thời có thể kiểm soát được chất lượng, hệ thống phân phối quy định rõ trách nhiệm của từng khâu, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Từ đó, khối lượng quản lý có thể giảm đi mà kết quả đến tay người tiêu dùng sẽ là giá trị hợp lý nhất.
Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam rất đồng ý với những quyết định trên của Bộ Công Thương trong công tác quản lý. Tuy nhiên, ông cho rằng thị trường Việt Nam là một thị trường với nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vì thế việc quản lý ở từng địa phương, địa bàn phải thực sự được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, ông Hồ Tùng Bách, Phó phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương đánh giá, việc để thị trường tự vận hành, cơ quan quản lý quản lý mức giá cuối cùng đến tay người dùng là biện pháp hợp lý. Với nền kinh tế thị trường cạnh tranh liên tục như hiện nay, ngay cả các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ cũng phải làm đúng quy định mức giá theo hệ thống, khó có việc bán chênh lệch cao hơn, dễ gây mất thị phần khách hàng. Giá bán lẻ sẽ được tuân theo mặt bằng chung trên thị trường – như vậy có thể nói Dự thảo có tác động tích cực vào hệ thống mặt bằng bán lẻ thị trường.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế, Sở Công Thương Hà Nội cũng đóng góp một số ý kiến trong việc sửa đổi một số thuật ngữ trong văn bản Dự thảo để đơn vị thực hiện hiểu rõ ràng cụ thể hơn, tránh gây nhầm lẫn hiều lầm.
Nguồn: Thu Hà/Báo Công Thương điện tử