menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương: Giá bán lẻ sữa cho trẻ em sẽ được kiểm soát chặt

08:38 26/04/2017

Vinanet -Trong dự thảo thông tư về quản lý mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu... biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa.
Trường hợp doanh nghiệp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% thì thực hiện gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ cộng dồn vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định.
 Để hiểu rõ hơn những quy định tại thông tư mới này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có những chia sẻ với phóng viên cách điều hành giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian tới, đặc biệt sau khi bỏ quy định áp giá trần từ ngày 1/4/2017.
 - Thưa ông, mới đây Chính phủ đã quyết định bỏ quy định về trần giá sữa, thay vào đó là thực hiện việc kê khai giá, vậy xin ông cho biết những điểm mới của quy định này?
Ông Võ Văn Quyền: Tại Nghị quyết 34/CP của Chính phủ ngày 7/4/2017, Chính phủ quyết định dỡ bỏ biện pháp bình ổn giá bằng việc áp giá trần. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa Chính phủ và Nhà nước không quản lý giá sữa.
 Theo quy định của Luật giá các văn bản pháp luật có liên quan, sữa và thực phẩm chức năng nằm trong đanh mục bình ổn giá, nhưng sau thời kỳ gần 3 năm thực hiện bình ổn mặt hàng này, thay vì đăng ký giá chuyển thành kê khai giá.
Hiện Bộ Công Thương đăng lấy ý kiến rộng rãi trên website của Bộ dự thảo mới về Thông tư Quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Điểm mới ở đây là thông tư sẽ gắn trách nhiệm, quyền tổ chức thị trường, quyền định giá của doanh nghiệp với trách nhiệm tổ chức thị trường và hệ thống phân phối.
 Do đó, doanh nghiệp không chỉ việc kê khai mà quan trọng hơn tổ chức đến tận hệ thống bán lẻ và Nhà nước cũng như người tiêu dùng đều quan tâm đến kết quả bán lể cuối cùng là giá như thế nào. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý Nhà nước tại các khâu sẽ kiểm soát, kiểm tra theo quy định.
Nếu việc kê khai khi không thực hiện bình ổn giá mà có yếu tố bất hợp lý, Nhà nước sẽ tham gia cũng như có biện pháp can thiệp điều chỉnh để có thể tính đúng, tính đủ đảm bảo yếu tố giá thành theo đúng quy định. Nếu tổ chức hệ thống phân phối đã cạnh tranh và tạo ra thị trường lành mạnh đem lại sản phẩm có lợi cho người tiêu dùng thì doanh nghiệp tiếp tục làm.
Ở đây câu chuyện là Nhà nước trả lại thị trường, trả lại quyền quyết định giá trên thị trường cho doanh nghiệp nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát theo quy định của Luật giá với yêu cầu quản lý các hệ thống phân phối của doanh nghiệp trên thị trường, Nhà nước hậu kiểm quan sát từng khâu, từng khía cạnh của doanh nghiệp.
- Hiện việc kiểm tra, kiểm soát giá ở các doanh nghiệp lớn đăng ký kê khai ở Bộ, làm thế nào để có thể hiệu quả trên diện rộng, đặc biệt ở địa phương với các cửa hàng nhỏ, cũng như các đơn vị trong hệ thống phân phối?
Ông Võ Văn Quyền: Cũng như trước đây, các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh ngoài danh mục tại Bộ Công Thương thì đăng ký tại địa phương.
Vấn đề tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện theo quy định của luật pháp dù nhiều hay ít. Nếu không thực hiện thì bị xử lý theo quy định của luật pháp, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng với mức độ vi phạm nhiều lần thì bị rút giấy phép.

- Vậy các cơ quan quản lý ở địa phương thì phải có biện pháp như nào để có thể kiểm soát chặt chẽ nhất, thưa ông?
Ông Võ Văn Quyền: Như tôi đã nói, điểm mới là chuỗi phân phối và Nhà nước cũng như người tiêu dùng giám sát quan tâm đến khâu cuối cùng là giá bán lẻ. Tính hợp lý của luật pháp ở từng khâu nhưng cái cuối cùng thể hiện ở giá bán lẻ sẽ được kiểm soát chặt.
 Cụ thể, khi các tổ chức, cá nhân kinh doanh buộc phải đăng ký kê khai theo mẫu gửi về cơ quan quản lý, nếu theo chương trình bình ổn giá hoặc kê khai không thực hiện bình ổn giá về cơ quản lý nếu thuộc danh mục Trung ương thì gửi về Bộ, còn không thuộc danh mục thì gửi về các Sở Công Thương.
Ngoài các Sở Công thương còn có lực lượng Quản lý thị trường cắm chốt xuống tận các quận, huyện, thị xã thì việc kiểm soát tại các điểm bán hàng, điểm bản lẻ, trung tâm thương mại đều được giám sát và một yếu tố rất quan trọng là người tiêu dùng và truyền thông giám sát vì tất cả các doanh nghiệp kê khai đăng ký giá và được công khai về giá, nếu phát hiện giá sai, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ vào cuộc để đảm bảo bán đúng, bản đủ.
- Vậy khi các doanh nghiệp kê khai đăng ký giá nhưng nếu có xu hướng tiếp tục tăng thì liệu có giải pháp áp giá trần?
Ông Võ Văn Quyền: Trong luật giá có quy định mặt sàn doanh nghiệp bình ổn giá, trong việc bất thường hoặc tăng giá biến động của thị trường ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng thì Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Bình ổn về giá trần, kiểm tra mức giá, điều hành cung cầu, thuế… có nghĩa các biện pháp đã được quy định tại Luật giá và các Nghị định liên quan. Vấn đề biện pháp quản lý bình ổn giá chỉ thực hiện trong một gia đoạn nhất định, khi thị trường trở lại bình thường thì lại được dỡ bỏ.
- Trước kia có hiện tượng doanh nghiệp chỉ cần thay đổi một thành phần nào đó trong có thể thay đổi giá?
Ông Võ Văn Quyền: Kê khai hay đăng ký giá, các yếu tố hình thành giá phải mang tính hợp lý. Việc làm đó không chỉ có Bộ Công Thương mà còn có cả các ngành khác cùng phố hợp như: Y tế, tài chính kế toán, rồi nhiều quy định khác để xem xét, ở đây chỉ có thể xem hợp lý hay không hợp lý, tăng nhiều là hợp lý hay tăng ít không hợp lý. Như vậy dù một yếu tố về thị trường, yếu tố công nghệ, hay khoa học nhưng nếu hợp lý thì mới được chấp nhận.
Tôi phải nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách luật pháp đều hướng đến tạo ra thị trường lành mạnh hơn, cạnh tranh hơn. Khi đó, trách nhiệm gắn với quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh ở trong lĩnh vực đó được đề cao hơn lúc đó quyền lời người tiêu dùng được đảm bảo. Còn bản thân việc kiểm soát yếu tố giá, từng mức giá là việc buộc phải làm, nhưng việc làm quan trọng hơn là tạo ra thị trường công khai, minh bạch.
Chính vì thế, trong dự thảo lần này gắn quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tổ chức thị trường, công khai trên website của Bộ Công Thương mức giá, doanh nghiệp và cũng như vậy ở địa phương để mọi người cùng kiểm tra, giám sát có tiếng nói. Với cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức kiểm tra, kiểm soát cũng là bộ phận quan trọng nhưng nếu toàn xã hội vào cuộc việc kiểm soát giá sữa sẽ tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông.

Nguồn:Đức Duy/Vietnamplus.vn