menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới khi tham gia GT

17:05 24/09/2019

Vinanet - Ngày 15/10/2019, Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực, thay thế Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT.
Theo đó, tốc độ tối đa của xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là 40km/h. Tốc độ tối đa của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc là 120km/h.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường khi mặt đường khô ráo: Tốc độ lưu hành 60km/h, khoảng cách tối thiểu giữa hai xe là 35m; Tốc độ lưu hành từ trên 60km/h đến 80km/h, khoảng cách tối thiểu giữa hai xe là 55m; Tốc độ lưu hành từ trên 80 km/h đến 100km/h, khoảng cách tối thiểu giữa hai xe là 70m; Tốc độ lưu hành từ trên 100km/h đến 120km/h, khoảng cách tối thiểu giữa hai xe là 100m. Đối với trường hợp xe đi với tốc độ dưới 60km/h, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách phù hợp để bảo đảm an toàn.
Đây không phải là quy định mới, được đề cập tới lần đầu, ngay trong Thông tư 91/2015 hiện nay đã quy định tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ là 40km/h.
Như vậy, Thông tư 31/2019 kế thừa quy định này của Thông tư 91, việc xe gắn máy không chạy quá 40km/h đã áp dụng từ ngày 01/3/2016 (ngày Thông tư 91 có hiệu lực) chứ không phải tới ngày 15/10/2019 tới đây mới chính thức áp dụng.
Gần đây, dư luận có nhiều phản ứng trái chiều về quy định trên do chưa hiểu đúng bản chất của 02 khái niệm xe máy và xe gắn máy.
Xe máy là cách gọi thông dụng để chỉ xe mô tô trong các văn bản luật, hiểu đơn giản, xe máy là xe cơ giới 02 hoặc 03 bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50cm3 trở lên (theo khoản 3.39 QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ).
Còn xe gắn máy chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50cm3 (hay còn gọi là xe 50cc hoặc xe 50 phân khối).
Do đó, xe máy và xe gắn máy là 02 loại xe khác nhau. Điển hình của xe gắn máy thường thấy là xe cub…
Xe máy chuyên dùng bao gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng không được chạy quá 40km/h. Còn xe máy vẫn chạy với tốc độ tối đa là 60km/h trong khu vực đông dân cư (tại nơi đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Ngoài việc hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư này còn làm hết hiệu lực Thông tư 91/2015/TT-BGTVT.
Xem chi tiết Thông tư 31/2019/TT-BGTVT tại đây.
Nguồn: VITIC